Nhờ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm qua. Từ con số 30 tỷ USD vào năm 2001, đến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục mới là gần 700 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Hàng hóa của Việt Nam đến nay đã có chỗ đứng ở nhiều thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành rủi ro. Cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao thì nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng cao. Tính đến năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Nguy cơ hàng hóa xuất khẩu bị điều tra không chỉ với những sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam, mà gần đây, các mặt hàng có nguồn gốc từ nước thứ ba, “mượn xuất xứ” Việt Nam cũng đang bị “soi” rất kỹ. Khi doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị đánh thuế phòng vệ thương mại, họ thường tìm cách chuyển sản xuất sang nước khác để lẩn tránh thuế. Với chính sách thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một lựa chọn của các doanh nghiệp để dịch chuyển sản xuất. Sự dịch chuyển này có thể khiến xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhưng cũng khiến Việt Nam dễ trở thành đối tượng bị theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Tại cuộc tọa đàm về các giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức ngày 21-12, các chuyên gia cũng cảnh báo, hiện nay, những nước nhập khẩu quy mô lớn như Hoa Kỳ không chỉ sử dụng các biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp… mà đã tiến hành những cách thức điều tra mới để mở rộng ra các nước khác có liên quan đến dấu hiệu lẩn tránh phòng vệ thương mại. Xu hướng điều tra gian lận xuất xứ không chỉ ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU mà còn có ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, ASEAN…
Việt Nam đã tham gia 15 FTA với cam kết được cắt giảm thuế suất về 0% nhưng không có nghĩa là các đối tác không có công cụ để bảo vệ ngành sản xuất của họ. Trong bất kỳ FTA nào, nhất là các FTA thế hệ mới, đều có riêng một chương quy định về phòng vệ thương mại và ở khuôn khổ cao nhất là WTO cũng cho phép các quốc gia thành viên áp dụng.
Phòng vệ thương mại là rào cản không thể lẩn tránh. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy tắc về xuất xứ, đồng thời chủ động và tích cực tham gia hoạt động điều tra theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chủ động tiếp cận cơ quan điều tra nước ngoài để có ý kiến chính thức về quy trình điều tra, đảm bảo các cuộc điều tra được tiến hành công khai, minh bạch và tuân thủ đúng cam kết quốc tế. Thậm chí, một số trường hợp chưa phù hợp với cam kết quốc tế thì phải kiến nghị cấp có thẩm quyền cao hơn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp song phương, đa phương với chính phủ của nước đó nhằm đảm bảo được hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp.
Quan trọng hơn, Bộ Công thương phải thể hiện rõ vai trò là cơ quan thường trực để cảnh báo sớm những rủi ro cho doanh nghiệp (hiện có 36 mặt hàng nằm trong danh sách theo dõi). Thông qua theo dõi biến động xuất khẩu sang các thị trường, nếu mặt hàng nào có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quá bất thường hoặc chiếm thị phần tương đối ở nước nhập khẩu mà từng bị điều tra phòng vệ thương mại đối với một nước khác thì cần phải coi là có nguy cơ rủi ro cao và phải được cảnh báo kịp thời.