Phát triển kinh tế-xã hội 2012

Hóa giải yếu kém, vượt qua thách thức

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hôm nay 20-10, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này là tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Lạm phát cao, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng đang đặt ra nhiều thách thức cho triển vọng kinh tế năm 2012.

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, kinh tế nước ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,8-6% là sự cố gắng lớn.

Bên cạnh đó, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô của những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã có chuyển biến tích cực: Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát đang giảm dần trong những tháng gần đây; xuất khẩu dự kiến tăng đến 24%; nhập siêu, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội…

Tuy nhiên, những chuyển biến và kết quả đạt được chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững. Trong 6/22 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành, 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao với nhiều lần điều chỉnh.

Cùng với chỉ tiêu tạo việc làm mới không đạt, những chỉ báo về giảm điện năng tiêu thụ và tăng lượng hàng tồn kho, nền kinh tế nước ta đang đối mặt dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng.

Lạm phát tăng cao năm 2011 một phần do yếu tố chi phí đẩy của giá cả hàng hóa quốc tế tăng đột biến. Đặc biệt lạm phát tăng mạnh trong những tháng đầu năm còn do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng lúc như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu…

Và nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa của tình trạng này bao gồm hiệu quả đầu tư và năng suất lao động thấp, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả. Từ năm 2004 đến nay lạm phát cao lặp đi lặp lại theo chu kỳ với tần suất cứ 2 năm tăng cao, sau khi được kiềm chế có 1 năm tăng thấp hơn.

Thực trạng này cho thấy tính cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp đã suy giảm sau nhiều năm chống chọi với lạm phát và lãi suất cao, thu nhập và mức sống thực tế của người dân bị ảnh hưởng.

Do vậy, trong điều hành chính sách thời gian tới cần chú ý tập trung xử lý mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá; tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng hướng vào phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ, nợ xấu.

Trước những thách thức đặt ra cho thấy năm 2012 cần quyết liệt xây dựng hệ thống các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Năm 2011 Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 kịch bản với 2 mức tăng trưởng 6% và 6,5%.

Quan điểm của Chính phủ là chọn phương án tăng trưởng thấp. Còn theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mức tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2012 là “có thể đạt được” và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Một thách thức lớn cũng đang đặt ra là phải kiểm soát lạm phát ở mức một con số. Năm 2012 giá cả nguyên liệu đầu vào thế giới được dự báo sẽ không có biến động mạnh. Vì vậy, tỷ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Chính sách tỷ giá nếu duy trì ổn định sẽ góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng. Trong năm 2012 cần kiểm soát tổng cung, tổng cầu hợp lý trên cơ sở không tăng thêm quy mô đầu tư từ ngân sách nhà nước và tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến.

Vì thế lĩnh vực cần đột phá trong năm 2012 là chính sách tài khóa và điều cốt tử là phải tái cơ cấu nền kinh tế để loại trừ những yếu kém, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả.

Tình thế hiện nay đã rất "khẩn cấp", nên không thể tiếp diễn cách làm cũ. Căn bệnh của nền kinh tế: nghiện đầu tư, thèm dự án, không tính toán hiệu quả đồng vốn, bóc lột tài nguyên… đã ăn sâu, nguy cơ trở thành căn bệnh cơ cấu, cần phải được chữa trị dứt điểm.

Bởi, sẽ không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng bền vững nếu không thay đổi tư duy, xử lý triệt để các tồn tại trên. Nguồn lực đất nước phải được phân bổ hợp lý, phát huy hiệu quả. Nếu không những thách thức vẫn còn đó. Và đây là vấn đề đặt ra trong cả giai đoạn 2011-2015.

Các tin khác