Hoa Kỳ tiếp tục chia rẽ ngân sách tài khóa 2014

Khi thời hạn chót 1-10 để thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 đang tới gần, các nghị sỹ Hoa Kỳ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc này. Giới phân tích lo ngại nguy cơ chính phủ phải tạm ngừng hoạt động do thiếu ngân sách khi tài khóa hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 31/9 tới.

Khi thời hạn chót 1-10 để thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 đang tới gần, các nghị sỹ Hoa Kỳ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và tiếp tục đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc này. Giới phân tích lo ngại nguy cơ chính phủ phải tạm ngừng hoạt động do thiếu ngân sách khi tài khóa hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 31/9 tới.

Phát biểu với báo giới sau buổi làm việc ngày 12-9, Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện, cho rằng nguy cơ chính phủ phải tạm ngừng hoạt động là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner, cho rằng kế hoạch ngân sách của chính quyền là chưa đủ mạnh để giảm mức thâm hụt ngân sách đang ngày càng phình to của Hoa Kỳ, trong khi nhiều biện pháp chưa hợp lý. Vì thế, theo ông, cần thêm thời gian để xem xét vấn đề này.

Trước đó, trung tuần tháng 4 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đệ trình Quốc hội kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014. Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm thâm hụt cán cân thu chi trong kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng, trong đó có việc tăng thuế thu nhập đối với thiểu số những người giàu nhất, đã ngay lập tức gặp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa tại Quốc hội.

Trong kế hoạch ngân sách 3.770 tỷ USD cho tài khóa 2014, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2013, Tổng thống Obama đặt mục tiêu giảm thâm hụt từ mức dự kiến 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay xuống 2,8% GDP vào năm 2016.

Theo kế hoạch ngân sách này, thâm hụt liên bang tài khóa 2014 sẽ giảm xuống còn 744 tỷ USD, tương đương 4,4% GDP và đến năm 2023,con số trên sẽ được giảm xuống mức tương đương 1,7% GDP.

Để đạt được mục tiêu trong 10 năm tới sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách tổng cộng 1.800 tỷ USD, chính quyền Tổng thống Obama chủ trương giảm chi tiêu 930 tỷ USD, tăng thuế thu nhập khoảng 580 tỷ USD, kết hợp với việc cắt giảm một số chương trình phúc lợi.

Ông cho biết ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng là cải thiện nền kinh tế bằng cách hỗ trợ sự phát triển của tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh.

Trong kế hoạch ngân sách, Tổng thống Obama chính thức đề xuất phương án "Thuế Buffett" lấy tên nhà tỷ phú đầu tư Warren Buffett, người ủng hộ việc tăng thuế thu nhập của những người giàu lên tối thiểu 30% đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên.

Mức thuế này đã hạ thấp rất nhiều so với ý định ban đầu từ 35% đến 36,9%. Phạm vi đối tượng tăng thuế cũng chỉ ở mức 1 triệu USD/năm trở lên, thay vì 250.000 USD/năm như kế hoạch ban đầu.

Kế hoạch của Nhà Trắng cũng chấp nhận cắt giảm một số chương trình phúc lợi, trong đó có chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người già.

Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch của Nhà Trắng là giảm mức thâm hụt ngân sách năm 2014 xuống 744 tỷ USD, chiếm 4,4% GDP, so với mức 973 tỷ USD dự kiến trong năm nay và hơn 1.000 tỷ USD trong 4 năm liên tục trước đó.

Tổng thống Obama cũng đề nghị cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp từ mức cao nhất thế giới 35% hiện nay xuống 28%. Nhà Trắng dự báo tốc độ tăng GDP năm nay là 2,6%, năm tới là 3,4% và tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2014 sẽ giảm xuống 7% so với mức trung bình 7,5% của năm 2013.

Nhà Trắng dự kiến tổng thâm hụt ngân sách tài khóa 2013 là 759 tỷ USD trong khi Phòng Ngân sách Quốc hội dự kiến ở mức 642 tỷ USD. Cả hai mức dự kiến này đều thấp hơn nhiều so với tổng mức thâm hụt 1.087 tỷ USD trong tài khóa 2012.

Năm 2013 có thể sẽ là năm đầu tiên kể từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền, cán cân thu chi của chính phủ liên bang bị thâm hụt dưới mức 1.000 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ năm 2009, năm đầu tiên ông Obama lên cầm quyền là 1.400 tỷ USD, lớn nhất kể từ năm 1945, năm 2010 giảm xuống 1.170 tỷ USD, năm 2011 là 1.300 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách tăng đã làm tăng nợ quốc gia của Hoa Kỳ, hiện đã ở mức 16.700 tỷ USD.

Các tin khác