Hoa tiên, 'bảo bối' hậu cung triều Nguyễn

(ĐTTCO) - Bên dòng sông An Cựu chảy qua phường Vĩnh Ninh, TP Huế, nguyên thủy là phủ Tùng Thiện Vương bề thế của hoàng tử Miên Thẩm (1819-1870), con trai thứ 10 của vua Minh Mạng.

Hoa tiên được các phi tần mỹ nữ trong hậu cung nhà Nguyễn sử dụng cánh hoa để làm đẹp nên còn có tên là hoa cung nữ.
Hoa tiên được các phi tần mỹ nữ trong hậu cung nhà Nguyễn sử dụng cánh hoa để làm đẹp nên còn có tên là hoa cung nữ.

Trải qua biến thiên lịch sử và thời tiết khắc nghiệt, nay phủ Tùng Thiện Vương thay đổi nhiều về hiện trạng, chỉ còn lại một số công trình chính như bến Phủ (phía sông An Cựu), cổng tam quan, điện thờ vua Minh Mạng, phủ thờ Tùng Thiện Vương, nhà tăng (dùng để nấu nướng, bày biện vào mỗi dịp lễ kỵ).

Mặc dù chưa được công nhận di tích, nhưng con cháu hậu duệ nỗ lực gìn giữ và bảo quản khá tốt, nên phủ trở thành một trong những phủ đệ đặc trưng mang nhiều giá trị kiến trúc và văn hóa Huế. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ hàng trăm mộc bản - di sản tư liệu được UNESCO xếp vào danh mục Chương trình “Ký ức thế giới” từ năm 2009.

Đó là những bản gỗ khắc chữ Hán-Nôm ngược để in những áng thơ văn quý báu của hoàng tử Miên Thẩm, từng được vua Minh Mạng phong tặng là “thi ông”, còn người đời xưng tụng là “ông hoàng” thi ca.

1000023572.jpg
Vợ chồng ông Bửu Tô bên vườn hoa tiên ở phủ Tùng Thiện Vương.

Phía trước và xung quanh phủ Tùng Thiện Vương là sân vườn với hoa trái bốn mùa xanh tươi, ngát hương. Trong số loài cây quý hiếm khắp 3 miền hội tụ về đây, có loài hoa thường dùng làm mỹ phẩm cho các giai nhân triều Nguyễn: Hoa tiên.

Ông Bửu Tộ, cháu đời thứ 4 của Tùng Thiện Vương, Trưởng ban quản trị phủ thờ say sưa kể về loài hoa tiên, thường hoa nở lúc 16 giờ chiều ngày hôm trước, và đến sáng hôm sau khi mặt trời lên thì héo tàn. Sau khi hoa tàn, đài hoa phát triển thành trái to bằng hạt đậu, có hình thù giống hạt hồ tiêu khô.

Bên ngoài vỏ cứng màu đen, nhăn nheo, bên trong có chứa một loại tinh bột trắng tinh. Đó là nguyên liệu để làm phấn cho các phi tần trong hoàng cung ngày xưa, có công năng làm đẹp, mịn màng làn da. Ngoài ra, các cung nữ nhà Nguyễn thường đến khu vườn phía hậu cung ngắt hoa tiên đem về phòng mỗi sáng, rồi vắt hoa ra thành nước để bôi lên 2 má cho hồng tự nhiên hoặc huyết dụ tùy vào thời điểm.

Việc làm đẹp bằng hoa tiên sẽ đạt hiệu quả cao hơn, nếu lấy bột trái hoa hòa với mật ong, rồi thoa đều lên da mặt, sau khoảng 30 phút thì rửa sạch. Trong trái và hoa của cây hoa tiên có hàm lượng lớn linolenic acid và một số chất khác rất tốt cho làn da. Những chất này làm cho da trắng mịn, không bị nám, tàn nhang, mụn trứng cá, nốt ruồi, hơn xa các loại mỹ phẩm đắt tiền hiện nay.

Hoa tiên dù là loài cây quý hiếm nhưng dễ trồng, ai cũng có thể trồng một vài cây trong vườn, trong chậu ở ban công sân thượng để có thể thử nghiệm phương pháp tự làm đẹp rất độc đáo của các cung tần mỹ nữ hậu cung triều Nguyễn ngày xưa.

"Chuyện kể rằng, ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Cô gái vốn là một tiểu thư đài các, chàng trai là anh tiều phu. Sự ngăn cản quyết liệt từ gia đình cô gái, 2 người nguyện chết cùng nhau. Bông hoa tiên có màu hồng nhạt, cánh hoa nhỏ, mỏng là hiện thân của cô gái, còn trái hoa màu đen có bề ngoài như hạt tiêu là hóa thân của chàng trai.

Trước đây, hoa tiên trồng trong các vườn thượng uyển ở kinh thành Huế, hoặc các phủ đệ ở Kim Long, Vỹ Dạ; nhiều nhất ở khu vườn hậu cung. Bẵng đi một thời gian dài, người ta không còn thấy nữa” - ông Bửu Tộ nói.

“Mong sao ai đó quan tâm nghiên cứu, biết đâu có thể tạo ra một loại mỹ phẩm nổi tiếng của kinh thành Huế từ loài hoa tiên mà tôi luôn yêu thương, chăm sóc” - ông Bửu Tộ nói và kể về những điểm lạ kỳ loài hoa này. Cây có thể nở hoa quanh năm với nhiều sắc màu, hoa đổi sắc theo tuổi tác và “cảm xúc” nắng mưa đất trời.

Như cây hoa phấn vàng, khi đã có tuổi thường nở hoa sắc hồng, trong khi loại hoa phấn trắng sẽ đổi thành hoa tím. Hoa phấn hồng lúc mới nở gặp trời nắng đẹp có màu sắc hồng tươi, nhưng khi gặp ngày mưa, nắng ủ lại có màu huyết dụ… Và câu chuyện hoa tiên về phủ Tùng Thiện Vương như ông Bửu Tộ kể lại chẳng khác nào cuộc gặp gỡ “duyên hạnh ngộ” giữa ông và loài hoa ấy.

Hoa tiên có tên khoa học Mirabilis jalapa. Do xưa kia phi tần mỹ nữ trong hậu cung nhà Nguyễn dùng làm đẹp nên nó còn có tên hoa cung nữ hay hoa tiên. Còn dân gian gọi bông phấn, sâm ớt, yên chi.

Các tin khác