Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc hôm 10-6 đã có một phen thất vọng khi MSCI quyết định hoãn việc đưa cổ phiếu (CP) hạng A của nước này vào chỉ số các thị trường mới nổi.
Đề xuất sớm nhất để đưa Trung Quốc vào chỉ số này được dời vào tháng 5-2017. “MSCI đã có câu trả lời rõ ràng: CP loại A của Trung Quốc sẽ được thêm vào cuối cùng” - theo Peter Alexander, Giám đốc Công ty Tư vấn Z-Ben Advisors. Dù MSCI cho biết thị trường Trung Quốc đã có những bước phát triển tích cực quan trọng so với năm ngoái, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực khác.
Đầu tiên, MSCI muốn Bắc Kinh cải tổ hệ thống hạn ngạch tiếp cận tài sản trong nước theo hướng minh bạch và có thể dự báo được. Nhà đầu tư đến nay vẫn phải chờ đợi và không biết rõ khi nào họ có thể được tăng vốn, hay có thể tăng nhiều hay ít. Trong hạn ngạch 298 tỷ USD cho các nhà đầu tư tổ chức được cấp phép (QFII) và chương trình tương đương với NDT (RQFII), thực tế chỉ 162 tỷ USD được cấp phép.
Thứ hai, tiếp cận thanh khoản hàng ngày cần cải thiện, như nâng giới hạn giao dịch hiện tại qua Shanghai-Hong Kong Stock Connect. Cuối cùng, nhiều giám đốc quỹ truyền thống vẫn quan ngại về lợi ích của việc sở hữu tài sản, dù những bước đi gần đây của cơ quan quản lý nhà nước để minh bạch hóa vị trí của họ.
Dù việc đưa hay không đưa CP loại A của Trung Quốc vào chỉ số sẽ không ảnh hưởng nhiều đến MSCI, nhưng một số nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy lo ngại nếu bị đẩy vào một thị trường đã tăng nóng vào năm ngoái. Chỉ số Shanghai Composite tăng tới 150% trong 12 tháng qua, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại đó là dấu chỉ của một bong bóng thị trường. “Sau khi CP loại A tăng quá hớp trong năm ngoái, các nhà đầu tư có lẽ sẽ an tâm hơn nếu chỉ số thị trường mới nổi của MSCI không bao hàm CP A của Trung Quốc vào thời điểm này” - theo Larry Cao, một nhà phân tích của CFA Institute.
Nhiều nhà phân tích tin rằng chìa khóa để tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ là việc triển khai Shenzhen Stock Connect, một bản sao của kết nối giao dịch xuyên biên giới giữa Thượng Hải và Hồng Công, sẽ cho phép các quỹ đầu tư toàn cầu tiếp cận được thị trường chứng khoán lớn thứ hai ở Trung Quốc đại lục. Nhưng một khi những tồn tại kỹ thuật vẫn còn phải giải quyết, trọng tâm chú ý được chuyển từ những vấn đề các cơ quan quản lý Trung Quốc phải đối mặt sang những vấn đề mà chính các nhà đầu tư phải vượt qua.
Chứng khoán Trung Quốc chưa được đưa vào chỉ số MSCI vì kém ở một số tiêu chí. |
Các nhà quan sát cũng lo ngại mục tiêu đưa CP loại A của Trung Quốc vào chiếm 20,5% tỷ trọng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI sẽ dẫn tới việc chỉ số này dần bị “độc chiếm” bởi Trung Quốc trong tương lai. Nếu cộng thêm cả niêm yết ngoài đại lục, các công ty Trung Quốc có thể chiếm tới 43,6% trong chỉ số này.
Arthur Kwong, Giám đốc vốn khu vực châu Á của BNP Paribas Investment Partners, cảnh báo rằng một kịch bản như vậy sẽ rất nguy hiểm. “Tôi lo ngại sự kết nạp của MSCI sẽ khiến Trung Quốc trở thành một nước quá lớn trong chỉ số này. Khi đó chúng ta khó có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư” - ông Kwong nói. Một lo ngại thực tế nữa là việc thiếu các nghiên cứu bằng tiếng Anh ở Trung Quốc sẽ là thách thức lớn cho các nhà đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, Chin-Ping Chia, Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á của MSCI, cho rằng việc Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn sẽ phản ánh chính xác sự nổi lên về kinh tế của nước này, cũng như sự “thống trị” của Hoa Kỳ đối với chỉ số các thị trường phát triển.
(Theo F.T)