Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện xong kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu và hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Nội dung kiểm tra gồm thực tế tổng thành thiết bị, linh kiện từng đoàn tàu (ở trạng thái tĩnh, chuyển động) và đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện đường sắt nhập khẩu. Sau khi hoàn thành kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào lưu hành.
“Việc kiểm tra các đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Việc kiểm định thực hiện với 23 hạng mục ở trạng thái tĩnh và có cấp điện, kiểm tra vận hành trên tuyến,” đại diện Cục Đăng kiểm cho hay.
Sau khi tư vấn của Pháp có kết quả đánh giá an toàn hệ thống, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác.
Các nội dung đánh giá an toàn gồm độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống phương tiện, tín hiệu điều khiển chạy tàu, cung cấp điện sức kéo, cửa chắn ke ga (nếu có); phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, trên cầu cạn (hoặc đường hầm), nhà ga; kiểm soát khói, thoát nhiệt, thông gió trong đường hầm; đánh giá tương thích điện từ; tích hợp hệ thống; thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống; hệ thống quản lý an toàn vận hành.
Từ ngày 12/12 đến ngày 31/12/2020, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bước vào giai đoạn vận hành thử toàn tuyến 20 ngày. Mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại.
Mỗi chuyến tàu sẽ có chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá. Riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, khoảng 700 người lên tuyến làm việc, một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.
“Sau thời gian vận hành thử, nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho thành phố Hà Nội, sau đó chuyển giao cho Hà Nội Metro quản lý, vận hành, khai thác,” lãnh đạo Hà Nội Metro khẳng định.
Theo thiết kế tổng thể, đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/giờ và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/giờ.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021./
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã công bố giá vé tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thấp nhất là 8.000 đồng/lượt; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng. |