Hoàn thiện giải pháp giảm tình trạng rút BHXH 1 lần

(ĐTTCO) - Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17-8, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi nêu ra 2 phương án để giảm tình trạng rút BHXH 1 lần.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp Ảnh: VIẾT CHUNG

Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động. Cụ thể, ở nhóm 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH 1 lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60, Luật BHXH hiện hành).

Với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu tích hợp những ưu điểm của 2 phương án để ra được phương án tốt hơn. “Cụ thể là đối với những người tham gia sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Một nội dung đáng lưu ý khác trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này là quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Đây là một trong những giải pháp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Bên cạnh đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Chiều 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực đoàn giám sát, cho biết, qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay đã có 2 tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí về giáo dục và đào tạo, tiêu chí về văn hóa và 8 tiêu chí khác được đánh giá gần đạt.

Về giải ngân vốn, đến hết tháng 6, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các tin khác