Không để DN lợi dụng việc huy động vốn
Thị trường TP là kênh huy động vốn trung, dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện nhiều tồn tại mà nhiều ĐBQH chỉ ra, như thông tin sai lệch, dùng công ty A để phát hành TP cho công ty B, rồi lại dùng công ty B ký hợp đồng đầu tư vốn với nhà đầu tư (NĐT) tiếp theo; giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bộ đã nhiều lần cảnh báo người dân, DN, NĐT, đồng thời đã trình Chính phủ sửa lại Nghị định 153 về phát hành TP riêng lẻ và tăng cường các giải pháp để minh bạch đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với thị trường TPDN.
Bộ Tài chính sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán. Trong đó, quy định rõ điều kiện phát hành, như DN phát hành phải có vốn chủ sở hữu, nợ trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, mục đích phát hành và phải tuân thủ mục đích phát hành với cơ quan quản lý nhà nước như thế nào…
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay không có chủ trương nào về siết chặt hay hạn chế TPDN. Bởi TPDN cũng là kênh rất hiệu quả cùng với tín dụng ngân hàng (NH) để DN huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng tiền sai mục đích.
Về vấn đề TPDN với các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết các TCTD phải đồng thời thực hiện các quy định về pháp luật, về chứng khoán.
Với vai trò các TCTD là người đi mua, đầu tư TP do DN phát hành, NHNN đã ban hành những quy định chặt chẽ, các TCTD nợ xấu trên 3% sẽ không được mua TPDN. Những DN phát hành TP phải có đủ khả năng trả nợ, thanh toán TP các TCTD thẩm định và không có nợ xấu trong vòng 12 tháng.
Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết, đến cuối năm 2021 quy mô thị trường TPDN đã tương đương 51 tỷ USD quy đổi. Trong 358 DN phát hành TP riêng lẻ năm vừa qua có 57 DN thua lỗ, 45 DN có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 lần…
Có DN bất động sản phát hành với lãi suất gần 13%, có DN vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, tương đươngtỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu 47 lần…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trừ Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, các DN đến hạn đều trả được nợ, có nghĩa dòng TPDN này vẫn chu chuyển bình thường. Luật Chứng khoán không đưa ra điều kiện DN phát hành phải có lãi hay cần có tài sản đảm bảo, nên trong Nghị định 153 không thể quy định điều kiện phát hành. DN phát hành TP phải có trách nhiệm trả lãi TP. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã xử lý các DN phát hành không đúng quy định.
Công khai, minh bạch thay vì siết chặt
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Bộ Tài chính cần tổ chức giao dịch TPDN riêng lẻ theo hình thức tập trung để tăng cường công khai, minh bạch cũng như tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường này. Đối với những tổ chức phân phối chào bán TPDN cần giám sát chặt chẽ hơn để tránh những hành vi có tính chất như lôi kéo, xúi giục người dân mua TP và dẫn những đối tượng này vào rủi ro.
Với NĐT nhỏ lẻ chuyên nghiệp cũng cần giám sát chặt chẽ. Với DN phát hành TP cần có biện pháp tối thiểu về kiểm soát quy mô dư nợ trên vốn chủ, chế độ báo cáo, công bố thông tin cần thiết, đảm bảo phát triển mạnh mẽ kênh TPDN là kênh dẫn vốn quan trọng.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc CTCP FiinGroup, cho rằng để thị trường TPDN phát triển lành mạnh cần đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm, cải thiện minh bạch thông tin; hỗ trợ kiểm soát rủi ro tín dụng; hỗ trợ công tác kiểm soát rủi ro vỡ nợ chéo. Việc đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp NĐT cá nhân và các NHTM trong việc tham chiếu lựa chọn, đánh giá và cho vay tín dụng phù hợp.
Đồng thời, đó là thông tin để NHNN có thể chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng bất động sản; giúp đồng bộ hóa thông tin về chất lượng tín dụng TP và tín dụng NH, qua đó hỗ trợ công tác giám sát rủi ro vỡ nợ chéo của cả thị trường tín dụng nói chung.
Khuyến nghị cơ quan quản lý, FiinGroup cho rằng cần hạn chế đưa các điều kiện kỹ thuật về điều kiện phát hành như hiện nay (mức độ đòn bẩy, lãi/ lỗ…), nên để các tổ chức tự thẩm định và quyết định; hạn chế điều kiện phát hành về tài sản đảm bảo, bảo lãnh thanh toán hay không được lỗ; tăng cường kiểm soát các định chế tài chính trung gian; yêu cầu áp dụng cáo bạch mẫu (tương tự như cáo bạch phát hành cổ phiếu) và công bố thông tin cụ thể hơn, nhất là thay đổi mục đích sử dụng vốn.
Đồng thời, nới lỏng điều kiện cho NĐT tổ chức thông qua việc mở rộng tiêu chí đầu tư của quỹ TP và các loại hình quỹ đầu tư khác một cách chọn lọc vào TPDN; tăng điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của NĐT cá nhân vào kênh TPDN.
Đặc biệt, cần xem xét sửa đổi định nghĩa về NĐT chuyên nghiệp dựa trên số tiền mặt tối thiểu để tham gia, thay vì giá trị danh mục. Điều quan trọng là sớm đưa thị trường thứ cấp TP vào hoạt động, sẽ góp phần tăng cơ sở NĐT, bao gồm cả NĐT nước ngoài.
Hiện nay quy mô TPDN khoảng 1.374.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược Thủ tướng Chính phủ ban hành (đến năm 2025 chiếm khoảng 20% và đến năm 2030 là 25%), tỷ lệ 15% đang ở trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, TPDN ở Việt Nam huy động đang ở mức thấp nhất và có dư địa để thực hiện. |