Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao (BT).
Thông báo kết luận nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Như vậy, có đầy đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ xây dựng Nghị định này.
Nội dung dự thảo Nghị định chịu tác động của các luật có liên quan, đặc biệt là Luật đất đai còn chồng chéo, có nhiều vướng mắc trong cách hiểu và vận dụng.
Việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn đã ảnh hưởng đến phát triển của các địa phương, nhiều dự án BT bị ách tắc, dòng chảy kinh tế chưa được khơi thông... Chính phủ đã có Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 29/12/2018 để xử lý khoảng trống pháp lý trong thời gian Nghị định chưa được ban hành.
Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đã được ký hợp đồng được tiếp tục triển khai, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết.
Hình thức đầu tư BT đã được quy định tại các văn bản pháp luật; hình thức đầu tư này đã huy động nguồn lực từ tài sản công (trong đó có đất đai) để phát triển hạ tầng, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Trong thời gian qua, việc triển khai hình thức đầu tư BT tại một số địa phương xuất hiện một số bất cập, đặc biệt là việc xác định giá đất và giá trị dự án BT, vì vậy cần tiếp tục rà soát quy định pháp luật để vừa huy động được nguồn lực, vừa sử dụng hiệu quả tài sản công, bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Để sớm ban hành Nghị định, đáp ứng đòi hỏi huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, bảo đảm chặt chẽ về pháp lý và đáp ứng một số yêu cầu: chống tiêu cực, thất thoát tài sản công; bãi bỏ những nội dung không cần thiết; có quy trình rõ ràng, minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan chức năng; đáp ứng nguyên tắc thị trường và không hồi tố, nhưng không để thất thoát tài sản nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo rà soát hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc ban hành trong tháng 4/2019.