Nhưng chưa bao giờ đối với họ chân trời lại xa như thế này. Các trang trại nhỏ đang bị dồn nén từ mọi phía: chiến tranh thương mại, thời tiết khắc nghiệt, giá cả hàng hóa liên quan đến toàn cầu hóa, phân cực chính trị...
Bức tranh quê buồn bã
Nhà Rieckmann đang đối diện với khoản nợ khoảng 300.000USD mua thức ăn gia súc và một chiếc máy kéo đã qua sử dụng. Bà Mary Rieckmann, 79 tuổi, sống cùng chồng, ông John, 80 tuổi và 2 trong số 7 người con của mình, chăm sóc đàn bò sữa 45 con. Giá sữa đang tụt thê thảm, chỉ còn chừng 1,6USD/10 pound (khoảng 4,4 lít) sữa, giảm tới 40% so với 6 năm trước. Có những tuần toàn bộ tiền sữa được chuyển sang thanh toán nợ. Không hy vọng tích lũy gì thêm, họ chỉ mong duy trì được trang trại mà không bị xiết nợ.
Bà Mary Rieckmann đang chăm sóc đàn bò sữa tại trang trại 180 năm tuổi của mình.
Không giống như những bộ phim sum họp gia đình thường được chiếu vào dịp Noel, các trang trại gia đình ở Mỹ đang mất dần vẻ trù phú thơ mộng. Không quá lời, tờ Time đã gọi đây là thời điểm khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Các vụ phá sản trang trại đã tăng 12% ở vùng Trung Tây nước Mỹ từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2019, và đạt kỷ lục khủng khiếp ở vùng Tây Bắc, chiếm 50%. Nước Mỹ mất hơn 100.000 trang trại trong giai đoạn 2011-2018, trong đó riêng 2 năm 2017-2018 đã mất đi 12.000 trang trại.
Dư nợ nông nghiệp hiện đang ở mức 416 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục và vẫn đang tiếp tục tăng. Hơn một nửa số nông dân thua lỗ kể từ năm 2013 và bình quân mỗi hộ thua lỗ hơn 1.644USD trong năm 2019 này. Các vụ tự tử trong cộng đồng trang trại xảy ra với tần suất đáng báo động. Nông dân không phải là nạn nhân duy nhất trong làn sóng công nghệ, nhưng việc buộc phải phá sản đồng nghĩa với việc họ bị đuổi ra khỏi nhà và mất di sản được thừa kế qua nhiều thế hệ.
Randy Roecker, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở Wisconsin, người đã chiến đấu với chứng trầm cảm nhiều năm nay, đã chứng kiến người hàng xóm Leon Statz tự tử cuối năm ngoái, cho biết cũng vừa phải bán đi 50 con bò sữa để trả nợ.
Ngay cả các tập đoàn nông nghiệp lớn cũng đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Dean Food, một nhà sản xuất sữa toàn cầu chuyên thu mua sữa từ hàng ngàn nông dân nhỏ, đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 12-11, khiến hàng ngàn nông dân gặp khó khăn lớn trong tiêu thụ sữa. Các trang trại nhỏ ở Mỹ (những trang trại có thu nhập ít hơn 350.000USD/năm trước khi trừ chi phí), giờ đây chỉ chiếm 1/4 sản lượng lương thực trong năm 2017, giảm mạnh so với tỷ trọng gần 1/2 vào năm 1991.
Trong ngành công nghiệp sữa, các trang trại nhỏ chỉ chiếm 10% sản lượng. Thế nhưng, sự “biến mất” của những trang trại nhỏ đang làm biến dạng nhiều vùng nông thôn nước Mỹ. Nói như Al Davis, một nhà sản xuất gia súc Nebraska, đồng thời là một cựu Thượng nghị sĩ của tiểu bang này, nếu mất đi lối sống nông thôn, nước Mỹ đã mất đi một phần lớn những gì đã làm cho nó trở nên vĩ đại.
Không quá khó để chỉ ra những yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành nông nghiệp. Sau thời kỳ bùng nổ vào đầu thế kỷ 21, giá các mặt hàng như ngô, đậu nành, sữa và thịt bắt đầu giảm liên tục kể từ năm 2013 đến nay. Công nghệ và toàn cầu hóa chính là 2 yếu tố song hành thúc đẩy phần lớn nền kinh tế Mỹ. Công nghệ đã làm cho hoạt động nông nghiệp đạt năng suất cao hơn bao giờ hết.
“Ngay cả khi có tới 4 triệu trang trại ở Mỹ “biến mất” trong khoảng thời gian từ năm 1948-2015, tổng lượng sản phẩm nông nghiệp trang trại vẫn tăng hơn gấp đôi. Trong khi đó, toàn cầu hóa mở ra cánh cửa cho người nông dân bước vào thị trường quốc tế, đem đến cho họ hàng loạt giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao. Sản xuất thực phẩm toàn cầu đã tăng tới 30% chỉ trong thập niên qua” - John Newton, Kinh tế gia trưởng Cục Nông nghiệp Mỹ, phân tích.
Ngược lại, 2 yếu tố này đã giáng những đòn chí mạng vào các trang trại nhỏ, vốn rất khó để cắt giảm chi phí vận hành. Đó là chưa kể cuộc chiến thương mại do Tổng thống D. Trump khởi xướng đã dẫn đến việc Trung Quốc áp thuế trả đũa 25% lên các sản phẩm nông sản từ Mỹ. Trung Quốc cũng đã chuyển sang tìm các bạn hàng khác dễ chịu hơn, chẳng hạn Brazil, để nhập các mặt hàng chủ lực của Mỹ như đậu nành và ngô. Trong khi chính phủ của Tổng thống D. Trump cũng đã cung cấp khoản hỗ trợ 16 tỷ USD cho nông dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, song phần lớn số tiền này chảy vào túi các nhà sản xuất lớn chứ không đến được chủ trại nhỏ.
Nghịch lý: Lớn càng lớn, nhỏ ra đi
Quả thực ở nước Mỹ, dường như câu ngạn ngữ “Lớn sẽ trở nên lớn hơn, còn nhỏ thì phải ra đi” đang hiện thực hơn bao giờ hết. Tại Triển lãm Sữa thế giới ở Wisconsin vào tháng 10-2019, số lượng trang trại có quy mô hơn 2.000 mẫu Anh tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 1987-2012, theo dữ liệu của USDA. Trong khi số trang trại có quy mô từ 200-999 mẫu giảm 44% trong cùng khoảng thời gian đó.
Lý do rất dễ hiểu, nhiều chủ trại nhỏ ở Mỹ thường xuyên phải bán sản phẩm dưới giá thành. Ông Rieckmann đã rất cố gắng tìm ra những cách khác để kiếm tiền duy trì trang trại. Nhưng gần đây, 2 con bê của gia đình ông chỉ bán được 20USD và 30USD cho một con khác. Trong khi cách đây 2 năm, giá bán được 300-400USD. “Nếu cách đây 20 năm ai đó mô tả tình cảnh như bây giờ, tôi sẽ quát vào mặt nói là kẻ dối trá” - ông Rieckmann buồn rầu nói.
Tỷ lệ phá sản của các nông trại nhỏ vùng Trung Tây có thấp hơn, nhưng các chủ trại cũng đang khốn đốn vì thời tiết khắc nghiệt. Nhiều vùng của Iowa, Nebraska và Minnesota đã hứng chịu trận lụt kỷ lục trong năm nay. Thượng nguồn sông Mississippi đón nhận mưa và tuyết nhiều hơn 2 lần so với bình thường. Mưa và tuyết bất thường đã khiến người nông dân bỏ canh tác hàng chục triệu mẫu đất.
Mike Rosmann, một nhà tâm lý học, thường xuyên nhận được những cuộc gọi “cầu cứu” từ những người nông dân đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. John Hanson, người điều hành một đường dây nóng hỗ trợ ở Nebraska, cũng cho biết, ông nhận được một số cuộc gọi vào lúc nửa đêm từ những người nông dân tuyệt vọng. Hàng loạt gia đình đã “ly hương” để tìm kiếm nguồn sống khác. Nông thôn đang dần co hẹp và hoang phế.
Chuyển sang canh tác hữu cơ để duy trì hoạt động cũng là một hướng đi đã được tính đến. Có hơn 14.000 trang trại hữu cơ được chứng nhận trong năm 2016, tăng 58% so với năm 2011. Nhưng chuyển sang nông nghiệp hữu cơ rất tốn kém và đối với những nông dân như Rieckmann, những người đã ngập trong nợ nần, thì không phải là lựa chọn khả thi.
Một khi các trang trại nhỏ ra đi, nước Mỹ đang mất dần một phần lịch sử.