Trên địa bàn TPHCM, hiện có đến hàng trăm khu đất nằm ở những vị trí đắc địa do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thuê đất với giá rẻ so với thị trường. Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp này sử dụng quá phung phí, có nơi cho thuê kiếm lời, có nơi bỏ đất trống.
Cho thuê hoặc bỏ trống
Theo thông tin ĐTTC thu thập được, đặc điểm chung của nhiều khu đất DNNN quản lý là đang làm nhà kho, cho thuê làm bãi đỗ xe, kios bán quần áo… hoặc bỏ hoang. Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) là một trường hợp điển hình.
Tại khu đất 181 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh) diện tích khoảng 4.774m2, từ tháng 11-2013, TP có văn bản yêu cầu công ty này chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án theo quy hoạch. TP cũng lưu ý "nếu quá 6 tháng kể từ ngày UBND TP phê duyệt, tổng công ty không triển khai đầu tư sẽ bị thu hồi". Tuy nhiên, theo ghi nhận toàn bộ khu đất trên hiện nay đang được sử dụng làm kho chứa hàng, phía mặt tiền cho Công ty ô tô Đại Việt thuê diện tích khá lớn để làm showroom ô tô.
Kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP. Trích Quyết định 09 |
Tại khu đất 279 Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh) có diện tích 9.010m2 do CTCP Công nghiệp thương mại Hữu Nghị (công ty con của CNS) quản lý, thời gian qua để trống và trưng dụng cho thuê làm bãi giữ xe. Ngoài ra, những khu đất trống của CNS có thể kể đến như khu đất 3.261m2 (quận 9), khu đất tại số 200 Võ Văn Tần hơn 1.700m2 (quận 3) .
Cách đây không lâu, ghi nhận tại khu đất 1027 trên đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) của Công ty TNHH nhà nước MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) diện tích 26.447m2, bên trong, một phần diện tích đã được SSIC cho Công ty Quỳnh Thư thuê làm bãi giữ xe ô tô. Điều đáng nói từ năm 2011 đến giữa năm 2014, công ty này chưa đóng tiền thuê đất theo quy định.
Theo ông Vũ Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc CNS, đa số mặt bằng CNS đã làm đầy đủ trình tự thủ tục, đóng tiền thuê đất theo quy định, chỉ còn một hai mặt bằng chưa thể thu hồi và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Việc thực hiện các thủ tục chậm là các sở ngành chưa có ý kiến để UBND TP ra quyết định.
Đối với khu đất 181 đường Điện Biên Phủ, ông Dũng cho biết năm 2013 TP chỉ đạo thực hiện theo Quyết định 09, CNS đã có văn bản yêu cầu Công ty điện cơ Lidico (nay đã sáp nhập vào CNS, hình thành Nhà máy cơ khí CNS, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con - PV) hoàn trả mặt bằng, nhưng Lidico viện cớ nhiều lý do kêu khó do chưa tìm được mặt bằng mới. Trong khi Lidico cho một đơn vị khác thuê làm mặt bằng showroom ô tô chỉ thu vài chục triệu đồng/tháng. “Trong tuần này, chúng tôi gửi văn bản chính thức cuối cùng cho Lidico yêu cầu trong vòng 1 tháng phải hoàn trả mặt bằng, nếu không sẽ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành” - ông Dũng cương quyết.
Cũng theo ông Dũng, khu đất 279 Nơ Trang Long hiện do công ty con quản lý và sử dụng. Mặt bằng này hiện đang cho thuê làm bãi giữ xe mỗi tháng 42 triệu đồng để trả một phần tiền thuê đất (tiền thuê đất mỗi năm 577 triệu đồng).
Xử lý nghiêm
Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 09/2007/QĐ-TTg, về việc “sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước”, trọng tâm nhằm xử lý tình trạng lãng phí đất công. Theo đó, UBND TPHCM cũng đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan ban ngành, các DNNN nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch TP đối với nhà, đất đã được phê duyệt theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg. Dù vậy, tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tiến hành rất chậm, thậm chí có đơn vị phớt lờ không báo cáo.
Một phần khu đất 181 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh đang được Công ty Lidico |
Trước tình hình các doanh nghiệp chậm chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đúng theo quy hoạch, tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Chỉ thị 27/CT-TTg, về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Chỉ thị 27 một lần nữa nêu lại một thực tế “hiện vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị khó khăn về nơi làm việc, phải đi thuê trụ sở. Trong khi đó, một số cơ quan chưa chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về trụ sở, mặc dù được đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại cơ sở nhà, đất cũ, làm cho công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, tài sản”.
Và để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định 140/2008/QĐ-TTg.
Đến ngày 31-12-2014 phải hoàn thành việc kê khai và trình phương án tổng thể để phê duyệt phương án xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trước 30-6-2015. Đồng thời tiến hành ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.