(ĐTTCO) - Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN)… là những giải pháp quan trọng để KH-CN, đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới.
Chấp nhận rủi ro
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mặc dù cơ chế quản lý KH-CN thời gian qua đã có những bước tiến dài, căn bản, nhưng vẫn còn tình trạng lãng phí, “phân bổ theo kiểu chia thuốc”. Đặc biệt là vẫn chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. Trong nghiên cứu khoa học không thể có chuyện 100% nghiên cứu là thành công và có kết quả như ý muốn được. Để giải quyết vấn đề này, cần phải công khai, minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả.
Việc này không chỉ đối với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học mà cả những nhiệm vụ KH-CN thực hiện ở địa phương, để các nhà khoa học cũng như cộng đồng cùng giám sát. Bộ KH-CN phải đi đầu thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kinh phí; và có các đề tài nghiên cứu thiết thực, nhất là ở địa phương; phải coi trường đại học là một chủ thể nghiên cứu có thể nhận kinh phí, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trực tiếp từ Bộ KH-CN. Có như vậy, đại học mới trở thành những trung tâm sáng tạo ra tri thức.
Hiện nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với vai trò DN là trung tâm đã được khởi động, có tiến bộ đáng kể trong thời gian qua. DN đã thực sự là chủ thể đổi mới KH-CN. Tuy nhiên, nhìn chung, năng lực sẵn sàng cho nền sản xuất 4.0 của Việt Nam vẫn còn rất yếu và phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống sáng tạo quốc gia. Muốn vậy phải có những cơ chế vượt trội về hạch toán kinh tế, ưu đãi thuế, vốn, phân bổ nguồn lực để các DN thấy có lợi ngay khi đầu tư vào KH-CN, nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực.
Chất lượng, công khai, minh bạch
Một trong 3 đột phá chiến lược, bên cạnh thể chế và hạ tầng, là đột phá về chất lượng nguồn nhân lực, KH-CN và đổi mới sáng tạo. Muốn điều này sớm trở thành hiện thực, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trước hết phải hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển KH-CN, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH-CN.
Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH-CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH-CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chú trọng chất lượng và chỉ số tác động của các bài báo, công trình công bố quốc tế; khả năng ứng dụng và thương mại hóa kết quả KH-CN trong đời sống công nghiệp và xã hội; tăng cường công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cho phép thử nghiệm chính sách mới, mô hình đổi mới sáng tạo và công nghệ mới.
Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, cần tăng cường hình thức đối tác công - tư, đồng tài trợ giữa Nhà nước và DN cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hoạt động KH-CN phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập phản biện (kể cả phản biện quốc tế) trong tuyển chọn và xét chọn nhiệm vụ. Trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH-CN và tổ chức KH-CN công lập, đi đôi với cơ chế bắt buộc chịu sự đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả hoạt động KH-CN. Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH-CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra.
Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH-CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Mạnh dạn giao quyền sở hữu kết quả KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN và có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.