Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, mối quan tâm của nhiều chủ DN là các kế hoạch kinh doanh hơn là câu chuyện nhân sự. Song khi cánh cửa hội nhập đang mở rộng, câu chuyện giữ chân nhân tài cũng không kém phần quan trọng.
Cuộc chiến gay gắt
Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), bên cạnh Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sẽ là cơ hội để các DN trong khu vực và trên thế giới bước chân vào thị trường Việt Nam. Khi đó, để nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc và kinh doanh ở Việt Nam nhiều DN ngoại sẽ tuyển dụng nhân sự người bản địa.
Lúc này, việc giữ chân nhân tài sẽ là thách thức không nhỏ với nhiều DN nội. Làm sao để chiến thắng trong cuộc chiến ấy không đơn giản. Song theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện nhiều DNNVV Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc giữ chân nhân tài. Giám đốc một DN nhỏ từng chia sẻ với ĐTTC rằng ông đang lo không biết khi hội nhập DN có sống nổi không nên đâu còn thời gian nghĩ chuyện giữ người. Cứ làm đến đâu hay đến đó.
Mới đây, mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com và Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen đã công bố kết quả khảo sát 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2014. Trong top 100, DN Việt Nam chỉ chiếm con số khá khiêm tốn 20 đơn vị, còn lại các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Và trong top 20 này hầu hết là các DN vừa và lớn. Một câu hỏi được đặt ra phải chăng thương hiệu cùng mức lương khủng của các công ty ngoại chính là điều thu hút nhân viên giỏi.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ cũng có người hỏi ông Microsoft có thương hiệu lớn, có nhiều tiền trả cho nhân viên nên lúc nào cũng thu hút được ngôi sao từ chỗ khác tới. “Thực ra không có công ty nào nhiều tiền hơn công ty nào hết, dù thương hiệu lớn, thương hiệu nhỏ đều phải làm ra tiền. Lấy toàn sao về thành dải ngân hà chưa chắc đã tốt. Có một thực tế xảy ra ở nhiều công ty, ai cũng nói con người là tài sản quý nhất nhưng không nhiều người bỏ ra khoảng 1 tiếng chỉ để nói chuyện về con người không” - ông Trí phân tích.
Trở lại câu chuyện nhiều DNNVV Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh còn nhiều khó khăn phải giữ chân nhân tài như thế nào. Theo nhiều ý kiến, câu chuyện nhân sự không chỉ của riêng phòng nhân sự mà phải là của những nhà lãnh đạo.
“Đã đến lúc các DN phải đặt chiến lược nhân sự như một phần không thể tách rời khi lập chiến lược kinh doanh” - ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Câu lạc bộ DN dẫn đầu, từng nhấn mạnh. Có ý kiến cho rằng trong giai đoạn khó khăn người lãnh đạo phải tìm ra cái để người lao động tự hào, nếu nhân viên không tự hào vì điều gì DN chỉ đi xuống.
Cần chuyển mình
N.T.H, một nữ nhân viên khá có năng lực vừa phải tự nộp đơn xin nghỉ việc vì trưởng phòng mới (là chỗ thân quen với một lãnh đạo trong công ty) về và mang theo một dàn lính cũ, đương nhiên không còn chỗ nào cho chị H. Câu chuyện của H và công ty trên cũng là câu chuyện ở nhiều DN Việt Nam. Đặc biệt tại nhiều công ty gia đình, nhân viên chủ yếu là người trong nhà, người quen, họ hàng gửi gắm nên dù nhân tài cũng khó chen chân vào vị trí quản lý.
Có thể thấy, trước khi giữ chân được nhân tài việc tuyển dụng cũng hết sức quan trọng. Không ít DN Việt Nam thường chê sinh viên ra trường thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực tế. Điều này không sai. Song theo cách làm của nhiều DN ngoại, thay vì chờ sinh viên tốt nghiệp rồi mới tuyển dụng họ thường tiếp xúc từ sớm, đào tạo và chọn những nhân viên tiềm năng trong tương lai, trong đó Unilever Việt Nam chính là một thí dụ được nhiều DN Việt Nam biết đến.
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế. |
Thậm chí có một số ngành nghề, sinh viên mới ra trường cũng rất đắt hàng. “Trong ngành nông lâm nghiệp, ngày nay mức độ cạnh tranh về tuyển dụng sinh viên ra trường cũng rất gay gắt. Chúng tôi nhận thấy một điều những em sinh viên có nhiều sự chọn lựa. Đối với Cargill phải hiểu sinh viên muốn gì và có chiến lược uyển chuyển để hỗ trợ họ” - bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc nhân sự Công ty Cargill Việt Nam, chia sẻ.
Điều này cho thấy DN phải thực sự chuyển mình bởi thời gian không còn nhiều. “Để tăng năng lực cạnh tranh của DN, việc xây dựng, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lãnh đạo giỏi là vấn đề DN cần chú trọng” - ông Phạm Phú Ngọc Trai nói thêm.
Và để làm việc này các DN, đặc biệt là DNNVV, cần bắt tay ngay vào xây dựng chiến lược cho riêng mình bởi những chia sẻ, những gợi ý từ các DN khác chỉ là nền tảng cơ bản, còn mỗi DN với mỗi ngành nghề, quy mô khác nhau sẽ phải có những chiến lược khác nhau. Không nên lại để nước đến chân mới nhảy vì e rằng như thế sẽ không còn kịp nữa, bởi 2015 đã đi được gần 1/4 chặng đường.