Trong đó có việc hồi tố khoản tiền thuế đã thu của DN chưa chính xác. Điều đó có nghĩa, khoản tiền gần 4.800 tỷ đồng thuế sẽ được hoàn trả cho hơn 1.000 DN.
ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM THANH TÙNG (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC), về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, từ 23-4, cơ bản cả nước dừng thực hiện cách ly xã hội. Đây có thể coi là hướng mở cho DN?
Ông PHẠM THANH TÙNG: - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, 28 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ đối với Covid-19 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh. Song có lẽ chưa nên vội khẳng định một chiến thắng toàn diện của Việt Nam trước dịch Covid-19, cho dù ta đang tiến tới mốc số người nhiễm bệnh và tử vong là 0.
Cho đến nay, Việt Nam và thế giới đều đặt vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng lên trên sự phồn thịnh kinh tế. Nhưng ngay khi có tín hiệu tích cực trong vấn nạn dịch bệnh, vực dậy nền kinh tế cũng cực kỳ cấp thiết, bởi cầu thị một cộng đồng có sức khỏe tốt dựa trên một nền kinh tế suy thoái là điều bất khả thi.
Một vòng luẩn quẩn không tách rời của mọi xã hội, đó là thất nghiệp cao đi kèm với tăng trưởng chậm, thu nhập thấp đi kèm với sức khỏe và dinh dưỡng kém, sức cầu sụt giảm phía cung phải co hẹp. Thời gian qua, những bước đi của Chính phủ dường như không tách rời 2 giai đoạn trong dịch và hậu dịch. Những ngày qua nhiều quyết sách mới đã được triển khai quyết liệt, trong đó một số chính sách hiếm có tiền lệ.
- Ông có thể nói rõ hơn chính sách hiếm có tiền lệ?
- Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành từ năm 2017 nhằm quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá. Tuy nhiên khi Nghị định 20 áp dụng chung cho tất cả DN, đã gây không ít khó khăn cho DN trong nước.
Vì thế, tháng 12-2019, Chính phủ đã ban hành dự thảo sửa đổi Điều 3 Khoản 8 của Nghị định 20 nhằm gỡ khó cho DN trong nước.
Từ năm 2019, dự thảo sửa đổi đã thu hồi ý kiến nhưng vẫn chưa thể tiến đến sự sửa đổi thực sự. Dự thảo dù nói chung được ủng hộ, nhưng còn tranh cãi nhiều ở cách thức sửa đổi. Có ý kiến cho rằng cần giải quyết tận gốc những bất cập của Nghị định 20 bằng cách thay đổi đối tượng áp dụng.
Theo đó, Bộ Tài chính cần sửa đổi Nghị định chỉ áp dụng riêng cho DN nước ngoài, bởi DN trong nước đã có quản lý của Luật Thuế thu nhập DN điều chỉnh. Luật này đã quy định cụ thể các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay của DN.
Trước yêu cầu cấp thiết hỗ trợ DN, cũng có nghĩa hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt Nghị định 20, trình Thủ tướng ký, ban hành gấp ngay trong ngày 20-4. Theo đó, sửa đổi Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, qua đó nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đối với các DN có hoạt động liên kết.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hồi tố khoản tiền thuế đã thu của DN bị tính chưa chính xác. Cụ thể, hồi tố 4.785 tỷ đồng cho hơn 1.000 DN thông qua sửa đổi Nghị định 20 ngay trong năm nay. Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo bên cạnh tốc độ hồi tố phải thực thi ngay trong năm 2020, Bộ Tài chính được yêu cầu phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định 20 sửa đổi.
- Vậy việc hồi tố này có tác động ra sao đến các DN của ông?
- Việc triển khai hồi tố ngay trong năm nay là sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ dành cho cộng đồng DN, cũng đúng thời điểm như câu tục ngữ: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Việc sửa đổi Nghị định 20 của Chính phủ đối với DN là sự khích lệ lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động của cộng đồng DN nói chung cũng như với 2 công ty Trí Việt là TVC và TVB nói riêng. Điều này đã giúp các DN vượt qua những khó khăn hiện tại, sớm hồi phục sản xuất kinh doanh sau mùa dịch.
Thí dụ, CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) tư vấn chứng khoán đối với các khách hàng DN, dù không phát sinh hoạt động về vay mượn tài chính, nhưng các phía đều bị áp dụng vào hoạt động giao dịch liên kết.
Tháo gỡ được vướng mắc này của Nghị định 20, đã giúp TVB cầm cự trong thời điểm khó khăn của dịch Covid-19. Đồng thời khoản tiền hồi tố sẽ giúp DN có định hướng để xây dựng kế hoạch kinh doanh hợp tác và luân chuyển dòng vốn một cách hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông.
Tháng 7-2019, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc nhở Bộ Tài chính cần lưu ý về công tác xây dựng thể chế, ban hành văn bản. Phó Thủ tướng đã dẫn ra vấn đề khống chế lãi vay đối với các DN liên kết quy định tại Nghị định 20 như là một thí dụ, và chính Thủ tướng cũng đã 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi, nếu chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì chậm, nên chăng vướng đâu gỡ đó vì các DN kêu rất nhiều. Ngày 15-8-2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ sửa triệt để Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20. |