Hôm nay 26-5, thời khắc quan trọng của TPHCM

(ĐTTCO) - Hôm nay 26-5, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được trình ra Quốc hội, nếu được thông qua sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển trước mắt lẫn lâu dài của TPHCM và góp phần quan trọng vào thịnh vượng quốc gia.
Hôm nay 26-5, thời khắc quan trọng của TPHCM

Các nội dung trong dự thảo được kỳ vọng vừa khắc phục một số hạn chế về nguồn lực, lộ trình, cách thức thực thi Nghị quyết 54, vừa kiện toàn các cơ chế pháp lý sau khi đã được đảm bảo từ các định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, đã được nêu tại Nghị quyết 31 (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Nghị quyết 24 (về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045) hay Kết luận 14 (về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung)…

Nghị quyết mới vừa “bổ khuyết” những điểm chưa hoàn thiện trước đó, vừa đón lấy cơ hội và những dự báo phát triển ở tương lai.

Trong bối cảnh những khủng hoảng mang tính toàn cầu với những xung đột địa - chính trị - thương mại ngày càng phức tạp và dư chấn nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khoét sâu những lỗ hổng có tính căn cơ, vốn đã được dự báo và cảnh báo từ sớm, từ xa về năng lực quản trị (nhất là ứng phó với rủi ro kéo dài), nguồn lực kinh tế (cả nguyên liệu, lao động và thị trường).

Trải qua 2 năm ứng phó với đại dịch và thời kỳ phục hồi sau đại dịch, đã cho thấy khả năng chống đỡ và cả tự tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn của TPHCM. Đó cũng là cơ sở để Trung ương nhận diện rõ ràng hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc trao cho TPHCM các điều kiện tối ưu để phát triển thành phố với tư cách là hạt nhân của cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ.

Chỉ nói riêng về tính thí điểm của cơ chế đặc thù, không ít nội dung trong nghị quyết mới (nếu được thông qua và áp dụng), TPHCM sẽ là địa phương thí điểm đầu tiên trên cả nước. Do vậy, phải nhìn thấy trước những trở lực, chồng chéo từ các cơ chế pháp lý (giữa các bộ luật, từ luật xuống đến các nghị định, thông tư), kể cả những phát sinh ngoài pháp lý và thành phố cần nắm chắc các vấn đề, tự tin đột phá, vượt khó, thể hiện chất đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm để một số dự luật sớm hoàn tất thẩm định, lấy đó làm căn cứ hoàn thiện rồi luật hóa.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, chúng ta cũng phải nhận lấy trách nhiệm chưa đạt như kỳ vọng ban đầu, và đó chính là bài học kinh nghiệm quý giá để nghị quyết mới nếu được thông qua và triển khai áp dụng sẽ gặt hái những kết quả cao nhất.

Cũng như với Nghị quyết 1111 về TP Thủ Đức, tầm nhìn về một thành phố hạt nhân của một siêu đô thị, song các điều kiện cần và đủ để thực thi ngay khi nghị quyết thông qua lại chưa có nên khá chật vật, vất vả cho người dân; lúng túng, quá tải cho chính quyền. Cho nên, nó đúc rút cho chúng ta tinh thần lập pháp phải dẫn dắt cải cách, từ thực tiễn, tiến bước.

Nghị quyết mới có “điểm rơi” thuận lợi khi đã có Kết luận 14 dẫn đường. Nếu căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm là một trong những nguyên nhân làm bộ máy công vụ trì trệ, làm suy giảm chỉ số năng động, sáng tạo của TPHCM thời gian gần đây, thì hiện đang được thành phố ra “phác đồ điều trị”, cộng với tinh thần quyết liệt bảo vệ cán bộ dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, sẽ kích hoạt guồng máy thực thi.

“Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng”; “Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm nay nhất định xây dựng thành công CNXH” - là lời đúc kết của Tổng bí thư Lê Duẩn tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ III, năm 1983, cách nay tròn 40 năm.

40 năm sau, chúng ta chờ đợi một thời khắc quyết định cho sự phát triển của TPHCM “cùng cả nước, vì cả nước” từ một nghị quyết mới của Quốc hội.

Các tin khác