Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV gồm 11 chương, 106 điều, trong đó một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Hôm nay (13/6), Quốc hội dự kiến sẽ bấm nút thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 7 lần này, các nhà lập pháp đã "mổ xẻ" những bất cập trong Luật Đầu tư công và tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các điểm chưa phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tại Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 vừa được thông qua, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán.
Đề cập vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nêu quan điểm: Quốc hội phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ đồng nhằm kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách. "Đã đụng tới tài sản công, ngân sách nhà nước thì ở nhiều quốc gia thì vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu đô cũng là cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ đồng", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng: Tổng thống Mỹ cũng từng quyết định giải cứu ngân hàng trong thời kỳ bị khủng hoảng, dùng tiền ngân sách, dùng tiền thuế của dân để giải cứu, đồng thời bảo đảm với những người đóng thuế rằng họ có thể kiểm tra từng đồng đôla của gói giải cứu xem đó xem nó được sử dụng như thế nào.
"Chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản công và đầu tư công đi theo hướng này, đó là một hướng tiến bộ và hết sức cần thiết", ông Nghĩa nói.
Theo đánh giá của đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc Quốc hội quyết định mức vốn cho từng dự án là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc định hướng và khi đầu tư không dàn trải từ Trung ương đến địa phương như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn quan trọng, liên kết vùng miền là những cú huých tạo động lực tăng trưởng.
"Quốc hội quyết định mới đảm bảo đầy đủ về quyền hạn, về phân bổ ngân sách Trung ương theo Hiến pháp vì dự án là "linh hồn" của kế hoạch đầu tư", ông Hàm khẳng định.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từng dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ nguồn vốn hay không, Quốc hội quyết định danh mục phân bổ mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách Trung ương cũng là thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tăng cường công tác hậu kiểm
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) - Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ: Luật Đầu tư công đang có một bước thụt lùi về vấn đề cải cách, vì vẫn có quá nhiều thủ tục hành chính.
"Có thể thấy sân bay Vân Đồn làm rất nhanh, rất gọn nhưng các dự án đầu tư công chúng ta làm quá chậm. Chậm ở đây là vấn đề thủ tục, lên xuống quá nhiều, chưa phân cấp đi gắn với phân quyền cho các cấp cho nên kéo dài", ông Phương nêu thực tế.
Đại biểu Phương nêu rõ: Nếu quy định tại Điều 60 là các dự án sau khi đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chi tiết thì mới được làm. Đây không còn là hậu kiểm mà nó là tiền kiểm. Trong khi đó đề xuất của Chính phủ thay tiền kiểm bằng tăng cường công tác hậu kiểm.
"Tôi nghĩ sau khi triển khai kế hoạch thì Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn về cho địa phương và một số chương trình như chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đầu tư có mục tiêu thì coi đấy là ngân sách địa phương, địa phương làm và địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phân cấp này. Tôi cho như thế mới bớt thủ tục và nhanh chóng hơn", ông Phương góp ý.