Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP có 55,96% giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Trước đó, TP đặt mục tiêu trước ngày 20-11, đạt tỷ lệ 100% giáo viên được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Báo cáo về tình hình đầu năm học mới, Sở GD-ĐT TP cho biết, sau hơn một tuần triển khai dạy học qua internet, thống kê cho thấy ở bậc tiểu học có 94,34% học sinh tham gia học trên internet, 0,73% học sinh đăng ký học tạm tại tỉnh, thành phố khác.
Ở bậc trung học, kết thúc tuần học đầu tiên có 93,91% học sinh THCS và 97,52% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Có 0,21% học sinh THCS và 0,07% học sinh THPT đăng ký học tạm tại tỉnh, thành phố khác.
Riêng hệ giáo dục thường xuyên có 88,62% học sinh học trực tuyến và 0,45% học sinh đăng ký học tạm tại tỉnh, thành phố khác.
Tới đây, nếu dạy học trực tuyến tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP sẽ tham mưu UBND TPHCM cho phép sử dụng các tuần học dự trữ, kéo dài thời gian năm học, nhất là các khối lớp 1, 2 và các lớp đầu cấp để đảm bảo kết quả học tập.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TP đã tham mưu Thường trực UBND TPHCM kế hoạch mở cửa dần trường học, trong đó đặc biệt lưu ý đến các điều kiện cần thiết, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, dạy học trực tuyến đang được triển khai trên tinh thần không gây áp lực, quá tải cho học sinh. Các trường tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, bám sát tình hình thực tế tại địa phương.
Từ ngày 13-9, chương trình dạy học qua truyền hình do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện bắt đầu được phát sóng, ưu tiên đối tượng học sinh lớp 1, 2.
Đối với công tác phát hành SGK, tính đến ngày 11-9, tỷ lệ học sinh nhận được SGK là 507.034/707.487 học sinh (đạt tỷ lệ 71,67%). Toàn TP còn 200.453 học sinh chưa có SGK (tỷ lệ 17,35%).
Trước đó, UBND TPHCM đã có công văn cho phép gia hạn thời gian vận chuyển và bàn giao sách giáo khoa đến phụ huynh, học sinh đến hết ngày 15-9-2021 (chậm hơn 10 ngày so với kế hoạch bàn giao đến ngày 6-9 trước đó).
UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm chỉ đạo phòng GD-ĐT, hiệu trưởng trường học khẩn trương hoàn tất việc phân loại và bàn giao SGK cho hai đơn vị vận chuyển được TP chỉ định là Bưu điện TP và Viettel Post để kịp bàn giao SGK cho phụ huynh, học sinh.
Qua thống kê, 9 địa phương có tỷ lệ học sinh chưa có SGK còn cao và tỷ lệ giao SGK chậm gồm quận 3, 4, 7, 10, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Nhà Bè. UBND TPHCM yêu cầu các địa phương này tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ bàn giao sách.
Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, dịch Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, trong đó có học sinh và giáo viên TP.
Riêng với học sinh gặp khó khăn về điều kiện học tập trên internet, Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục khi triển khai dạy học trên internet cần tổ chức nắm thông tin đầy đủ của từng học sinh, tuỳ điều kiện cụ thể có sự hỗ trợ phù hợp.
Hiện nay, các trường học đã kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường hợp học sinh không có đủ điều kiện học tập trực tuyến sẽ được gửi tài liệu giấy, phiếu học tập... để học sinh tự ôn tập tại nhà.
Nhờ những nỗ lực đó, số học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến đã giảm từ 75.000 em còn khoảng 40.000 học sinh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPHCM xác định dạy học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ 1 năm học 2021-2022. Trước đó, bậc trung học đã bắt đầu năm học từ ngày 1-9, bậc tiểu học bắt đầu từ ngày 8-9, riêng bậc mầm non với đặc thù phải tổ chức dạy học trực tiếp nên chưa ấn định thời gian cho trẻ quay lại trường.