Và một lần nữa, UBND quận Bắc Từ Liêm lại đề xuất biện pháp khắc phục những sai phạm trong việc tu sửa cấp thiết tại Di tích xếp hạng cấp Quốc gia đình Chèm là “bổ sung hồ sơ” cho những hạng mục công việc chưa được cơ quan chuyên môn về di sản thỏa thuận cho phép.
Trước hết, phải khẳng định rằng phân cấp quản lý di sản xuống tới chính quyền cấp quận, phường là nhằm để di tích được bảo vệ tốt hơn, có sức sống bền lâu hơn khi được chính cộng đồng chung tay gìn giữ.
Tuy nhiên, với những kiến thức về văn hóa di sản còn hạn chế thêm nữa các cụ làm ban khánh tiết, ban quản lý đều đã lớn tuổi… vẫn duy trì tư duy quản lý theo kiểu tiểu nông, làng xã, thích to đẹp, chắc bền… thì trách nhiệm của cơ quan phụ trách chuyên môn lại càng phải sát sao nghiêm cẩn hơn.
Cụ thể, với công trình đình Chèm, trách nhiệm giám sát về mặt chuyên môn thuộc về Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội, là Sở VH-TT Hà Nội và cao hơn là của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL)...
Nếu như cây đa lớn không bị tùy tiện chặt bỏ, nếu như báo chí không lên tiếng, không kịp thời vào cuộc để tìm ra những sai phạm thì liệu những việc làm sai, có thể gọi là những việc xâm hại đến di tích có thể bị tìm thấy và phanh phui hay không?
Tu bổ, tôn tạo không được đẩy di tích vào tình huống "sự đã rồi"
Hình thức bổ sung hồ sơ cũng không có khác câu chuyện “phạt cho tồn tại” trong xây dựng đã từng được áp dụng lâu nay. Phải chăng cũng chính vì thế mà giờ đây di tích danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) mới có thêm một khu Hương nghiêm pháp đường to lớn ngang nhiên tồn tại với những trang trí dị thường.
Vì thế mà chùa Khúc Thủy - Tả Thanh Oai (Hà Nội) cứ đỏ đỏ, vàng, xanh hoành tráng tòa ngang, dẫy dọc lấn lướt công trình chùa gốc...
Dự án tu bổ, tôn tạo không chỉ là tiền, bạc, công sức… mà hơn thế, khi đụng, chạm vào di tích thì luôn đòi hỏi phải nghiêm cẩn hơn nhiều lần bởi “sai một ly là đi một dặm”. Chính bởi thế, ngoài Luật Di sản còn rất nhiều các văn bản như nghị định, thông tư hướng dẫn về việc tu bổ, tôn tạo…
Theo đó, không chỉ người lập dự án, giám sát, thi công phải hiểu nghề mà cả những thợ thủ công cũng phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về bảo tồn di sản. Những quy định này là nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với di sản từ sự thiếu hiểu biết của chính con người gây ra.
Mới đây nhất là chuyện tu sửa cấp thiết ở đình Chèm (Hà Nội). Những sai phạm đã bước đầu được chỉ rõ, việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể cũng đã bước đầu được triển khai.
Tuy nhiên, đối với tầm vóc quan trọng của một di tích quốc gia đặc biệt thì những tình huống để xảy ra “sự đã rồi” là việc khó chấp nhận. Bởi, tuy phân cấp nhưng giám sát không nghiêm, để xảy ra sai phạm thì đương nhiên phải chịu liên đới trách nhiệm. Nếu giải pháp “bổ sung hồ sơ” cho tồn tại vẫn cứ tiếp tục áp dụng thì di sản còn tiếp tục bị xâm hại đến khi nào?