Hợp sức tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển

(ĐTTCO) - Ngày 24-9, tại Nhà thi đấu Phú Thọ TPHCM diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016-2020 và Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2020 do UBND TPHCM tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức xem các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức xem các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
 Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đại diện các bộ ngành, lãnh đạo các sở, ngành và hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) đến từ 41 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là năm thứ 9 TPHCM tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, là chương trình xúc tiến thương mại lớn nhất trong năm nhằm tạo không gian trao đổi, mua bán hàng hóa hiệu quả cho DN.
Liên kết hình thành chuỗi cung ứng 
Phát biểu đánh giá kết quả Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, qua 5 năm thực hiện, Chương trình Hợp tác thương mại tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện, đồng bộ, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và dịch Covid-19 thời gian qua. 
Theo ông Dương Anh Đức, trong khuôn khổ hợp tác, TPHCM và các tỉnh, thành đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nhằm khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng địa phương để liên kết phát triển, kết nối hai chiều, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, mở rộng hàng hóa sản xuất trong nước và có tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương.
Thông qua kết nối, lợi thế của mỗi địa phương đã được phát huy tối đa, trong đó TPHCM có thế mạnh về sản xuất, chế biến; các địa phương có thế mạnh về kinh nghiệm nuôi trồng nông sản, tiềm năng về nguồn nguyên liệu, đặc sản địa phương. Chương trình góp phần nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.
Tính chung giai đoạn 2012-2019, với 8 năm thực hiện, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa có quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm. Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương. 
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, có 28 DN bình ổn thị trường ở TPHCM đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre nhìn nhận, với vị thế là đầu tàu của cả nước, thông qua chương trình hợp tác, TPHCM đã tích cực hỗ trợ các tỉnh, trong đó có Bến Tre, góp phần thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo sự liên kết phát triển kinh tế trong toàn vùng.  
Nhiều sản phẩm mới trình làng 
Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2020, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, hội nghị năm nay đã giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng đặc sản của 597 nhà cung ứng, trưng bày tại 500 gian hàng. Bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TPHCM, hội nghị còn giới thiệu nhiều đặc sản mới của các vùng, miền trên cả nước, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. 
Chị Lê Kiều Phương, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phúc Thịnh (Cà Mau) cho hay, đây là lần đầu tiên tham gia hội nghị nhưng công ty đã mang theo nhiều loại bánh phồng tôm được sản xuất từ tôm tươi, là đặc sản của Năm Căn, Cà Mau. Để có được loại bánh này, công ty đã mất 3 năm chuẩn bị nguồn nguyên liệu và sản xuất thử nghiệm, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đến năm 2019, sản phẩm mới chính thức ra mắt và bán tại một số hệ thống siêu thị như Vinmart, được tiêu thụ khá mạnh tại các tỉnh phía Bắc.
Hiện công ty đang hoàn thiện sản phẩm từ bao bì, mẫu mã, chất lượng theo đúng chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao mang thương hiệu NaCaMa để nâng giá trị gia tăng, cạnh tranh tốt trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Theo chị Phương, tại hội nghị, công ty đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Big C, Lotte Mart và ký các hợp đồng ghi nhớ để cung ứng và phân phối hàng hóa. Do công ty chưa tìm được nhiều nhà phân phối nên sản lượng tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức 200 - 300 tấn/năm, tới đây công ty có thể nâng lên 1.000 tấn/năm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. 
Tương tự, chị Linh Trang (chủ gian hàng bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, lục bình, chuối, mây tre nứa của tỉnh Kiên Giang) vui mừng khi các mặt hàng được người tiêu dùng và hệ thống phân phối quan tâm đặc biệt. Nhiều sản phẩm đã được mua hết ngay sau khai mạc hội nghị . 
Ngoài ra, các DN và HTX mang đến hội nghị nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo và là đặc sản của từng tỉnh, thành như nhãn xuồng cơm vàng, sữa ong chúa, trà lá sen, yến sào, rượu sâm nhung, rượu thanh long, bánh khô mè, sản phẩm mây tre nứa, bưởi cốm, thanh trà, tinh bột sắn, sản phẩm từ đá như tranh đá quý, bột đá, đá cục, nho, táo và các loại rong biển của Bình Thuận, bưởi da xanh, quýt hồng Lai Vung,  xoài Cao Lãnh, các loại đặc sản khô như cá lóc, tôm khô, cá sặc, cá diêu hồng… 
Năm nay ban tổ chức đã bổ sung thêm 2 khu vực với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị, gồm 10 hệ thống phân phối lớn nhất của TPHCM, 1 đơn vị phân phối của An Giang, 1 đơn vị logistics và 2 đơn vị xuất nhập khẩu. Đây cũng là nơi để nhà sản xuất và phân phối gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm, bàn bạc để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác và bao tiêu sản phẩm.
Trong đó, các hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Satra, Lotte Mart, Big C, Vinmart, MM Mega Market… cung cấp các thông tin về quy trình sản xuất và đóng gói để các nhà cung cấp từ các tỉnh, thành có thể hình dung công đoạn sản xuất các sản phẩm này, từ đó tạo thêm nguồn cung về thực phẩm sạch cho thị trường thành phố. Các DN hàng đầu về thực phẩm của thành phố như Vissan, Ba Huân, NutiFood, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn… cũng trưng bày các mặt hàng chủ lực để tìm kiếm đối tác tiêu thụ tại khu vực miền Tây, chuẩn bị cho cao điểm sản xuất và phân phối sắp tới. 
Bên cạnh các DN, nhà phân phối, hội nghị đã thu hút đông đảo người dân của TPHCM đến tham quan mua sắm. Các mặt hàng được khách hàng chọn mua là hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm chế biến, trà, cà phê, hàng may mặc và hàng đặc sản vùng, miền của cả nước.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa 2020 kéo dài đến hết ngày 27-9.

Các tin khác