![]() |
Trong nhiều năm qua, kinh tế biển Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc khai thác tài nguyên cũng như xây dựng thương hiệu biển vẫn còn thể hiện nhiều bất cập.
Trong nhiều năm liền, chúng ta đã rất nỗ lực xây dựng thương hiệu thủy-hải sản “made in Việt Nam” nhưng sản phẩm thủy-hải sản của Việt Nam vẫn có giá thấp hơn những sản phẩm cùng loại của các nước khác. Đồng thời, những thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên đưa ra các cảnh báo về chất lượng sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Mặt khác, dù nước ta có nhiều bãi biển đẹp nhưng lại chưa được quản lý đúng cách, dẫn đến việc buôn bán hàng rong tràn lan và thường xuyên chèo kéo khách hàng.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường biển chưa được chú trọng nên thường xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại với du lịch biển Việt Nam. Ngoài ra, việc khai thác một số tài nguyên biển khác vẫn chưa được thực hiện một cách khoa học và hợp lý, gây lãng phí nguồn lực kinh tế.
Chính vì không thể xây dựng những sản phẩm cụ thể gắn với biển nên nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng thương hiệu biển vững mạnh để cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới.
Nhiều chuyên gia tin rằng nếu tạo dựng được thương hiệu biển sẽ giúp nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn và cũng là một trong những yếu tố giúp nước ta ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường thế giới.
Trước bài toán xây dựng thương hiệu biển, những năm qua các cấp quản lý đã giao các ngành, địa phương đưa ra biện pháp để phát triển kinh tế biển.
Qua đó, các địa phương đã nỗ lực hành động để cải tạo chất lượng sản phẩm biển như cải thiện chất lượng nuôi trồng hải sản, nâng cao chất lượng các khu du lịch biển, khai thác tài nguyên hợp lý và đảm bảo an toàn cho môi trường sống.
Song, những biện pháp này chỉ thực hiện một cách riêng rẽ, chưa có sự thống nhất và liên kết giữa các tỉnh, địa phương. Một khi vẫn còn chuyện mỗi nơi làm một kiểu, sản phẩm từ nguồn lực biển đương nhiên sẽ có độ chênh về chất lượng, nên việc tạo ra một hình ảnh chung và xuyên suốt là rất khó.
Muốn thay đổi, ngay bây giờ rất cần có những cái bắt tay chặt chẽ để thực hiện đồng loạt các giải pháp. Ngoài việc đẩy mạnh liên kết nội lực, hiện nay các nước khác đang đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài để kết hợp khai thác tài nguyên biển hợp lý nhằm gia tăng giá trị sản phẩm biển.
Vì vậy, các nhà quản lý Việt Nam cũng cần đề ra chiến lược thu hút sự hợp tác từ các nước trên thế giới một cách hợp lý, đôi bên cùng có lợi để nhận được sự đầu tư và tư vấn từ những nước này để có thể đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh phát triển sản phẩm biển đang ngày càng gay gắt hơn trên toàn cầu.