Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014 (gọi tắt là dự thảo) của Chính phủ quy định về ba phương pháp định giá đất. Trong đó, phương pháp hệ số K được áp dụng để định giá đất cho trường hợp xác định giá đất của thửa đất, khu đất dưới 200 tỷ đồng theo bảng giá đất (BGĐ).
HoREA cho rằng, phương pháp này sẽ giúp cho Nhà nước và doanh nghiệp tiên lượng được số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án nộp vào ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không làm thất thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ áp dụng cho các khu đất có mức giá dưới 200 tỷ đồng so với BGĐ là chưa sát thực tiễn. Bởi thực tế, rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn mà thửa đất, khu đất có giá trị tính theo giá đất trong BGĐ trên 200 tỷ đồng. “Thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng tại các đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM”, HoREA nhận định.
Trong khi đó, hiện không có phương pháp định giá đất nào phù hợp để áp dụng định giá đất cho các trường hợp này. Lý do, trong các phương pháp định giá đất, dự thảo chỉ quy định phương pháp hệ số K để tính tiền sử dụng đất, thuê đất trong trường hợp này. “Vì vậy, đề nghị áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với tất cả các thửa đất, khu đất định giá, không phân biệt giá trị dưới hoặc trên 200 tỷ đồng so với BGĐ”, HoREA đề nghị.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị cần có 2 điều kiện để các dự án áp dụng phương pháp hệ số K. Cụ thể, điều kiện 1: Phải xây dựng BGĐ theo tuyến đường (đoạn đường) để xác định chỉ số giá đất trong BGĐ là giá đất trung bình của các giao dịch nhà đất cùng loại đã thực hiện trong một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc xây dựng BGĐ theo khu vực là chỉ số giá đất được xác định bằng các phương pháp định giá được pháp luật công nhận.
Điều kiện 2: Phải xây dựng được các hệ số K phù hợp theo từng khu vực (như TPHCM chia thành 5 khu vực giá đất), hoặc theo từng loại dự án bất động sản (cao cấp, trung cấp, bình dân).