HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức 5,1%, nhưng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi

(ĐTTCO) - HSBC đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,1%, thay vì mức 7,1% đưa ra trước đó, trước tác động tiêu cực của đợt bùng dịch thứ tư. Dù vậy, tổ chức tài chính này tin tưởng năm sau, mức tăng GDP của Việt Nam sẽ quay lại 6,8%.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 khoảng 5,1%

Theo nhận định của Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans, Việt Nam đã có một năm 2020 đầy bản lĩnh, khi là một trong số rất ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương, nhờ kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả.

Năm 2021, Việt Nam cũng đã khởi đầu rất thuận lợi với xuất khẩu có đà tăng trưởng tích cực, nhờ một loạt nền kinh tế phương Tây mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách kéo dài trong năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu hưởng lợi từ rất nhiều Hiệp định thương mại đã ký trước đây.

Do vậy, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC vào đầu năm 2021 đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7,1% trong năm nay. Bản thân nền kinh tế cũng thể hiện đây là một mức tăng trưởng hoàn toàn có thể đạt được.

HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức 5,1%, nhưng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi ảnh 1 CEO HSBC Việt Nam Tim Evans: Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid.
Tuy nhiên, điều không ai lường được, theo ông Tim Evans, là sự đột biến của virus SARS-CoV-2, với biến chủng Delta, khiến dịch lây lan khó kiểm soát, đặc biệt ở miền Nam, vốn là trung tâm kinh tế của cả nước. Đại dịch buộc TPHCM và nhiều tỉnh phải triển khai nhiều đợt giãn cách và ban hành những quy định hạn chế di chuyển. Tình trạng này dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký FDI đã giảm 11,1% trong 7 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ riêng trong tháng 7 đã giảm tới 53,8%.

Một tác động khác của giãn cách xã hội là tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh số ngành bán lẻ giảm 19,8% trong tháng 7, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 4-2020.

Tác động đối với lĩnh vực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 8, một số doanh nghiệp phải tạm đóng cửa. Trong khi đó, các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển, dẫn đến sụt giảm về sản lượng, đơn hàng mới, sức mua và việc làm.

Tất cả những điều đó đã gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng thấy. Kết quả là sản lượng công nghiệp giảm lần đầu tiên trong 5 tháng, do sản lượng sản xuất suy yếu.

"Cách duy nhất để vượt qua tình thế ngặt nghèo đại dịch là chủ động tiêm ngừa vaccine Covid-19. Đồng thời đảm bảo ngành y tế có đủ nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân nặng", CEO HSBC Tim Evans.
Tuy nhiên, điểm tích cực là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đã tăng 3,8% trong giai đoạn 7 tháng đầu năm so với với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguồn vốn này được rót vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, sau đó là tới mảng sản xuất và phân phối điện.
Một điểm sáng nữa là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động lại trụ vững một cách đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân sâu xa là do các cụm lắp ráp chủ yêu tập trung ở miền Bắc, nơi hoạt động sản xuất đã dần trở lại như bình thường sau hai đợt bùng dịch nặng nề vào tháng 5 và tháng 6.
"Trước tác động tiêu cực này, HSBC đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 5,1%, phản ánh tác động nặng nề của đợt bùng dịch thứ tư", ông Tim Evans cho biết.
Hai viễn cảnh cho kinh tế Việt Nam cho đến cuối năm
HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức 5,1%, nhưng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi ảnh 2 Điểm sáng giữa đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động, linh kiện lại trụ vững một cách đáng ngạc nhiên.
CEO HSBC Việt Nam nhận định khó khăn hiện tại tập trung chủ yếu trong lĩnh vực da giày và dệt may, do khu vực Đông Nam Bộ, vốn là một trung tâm sản xuất quan trọng của thế giới, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng dịch Covid lần này.

Nhiều thương hiệu lớn bắt đầu nhìn thấy thách thức trong hoạt động sản xuất, tình hình này sẽ sớm tác động đến người tiêu dùng phương Tây trong mùa lễ hội.

Tác động của đợt bùng dịch lần thứ 4 nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4-2020. Các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Trong đó, tiêu dùng cá nhân ảnh hưởng nặng nề, khi di chuyển của người dân bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình tại TPHCM còn nghiêm trọng hơn, nơi di chuyển của người dân giảm gần 90%, khiến doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cách duy nhất để vượt qua tình thế ngặt nghèo này là chủ động tiêm ngừa vaccine Covid-19. Đồng thời đảm bảo ngành y tế có đủ nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân nặng", ông Tim Evans nói thêm.

"Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình.
Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa, và HSBC kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam", CEO Tim Evans.

Hiện nhiều tỉnh đã bắt đầu cho kế hoạch từng bước mở cửa lại nền kinh tế, và dự báo quá trình này sẽ được đẩy nhanh dần từ tháng 10 trở đi. HSBC nhận định viễn cảnh kinh tế đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả tiêm vaccine cho người dân, kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.

Tuy nhiên, chưa thể kỳ vọng vào khả năng có thể trở lại bối cảnh hoàn toàn bình thường trong tương lai gần. Chuyên gia HSBC đặt ra hai viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam đến cuối năm.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và hiệu quả tiêm vaccine. Cùng với việc mở cửa lại nền kinh tế và khả năng phục hồi, khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn, trong bối cảnh vẫn nhiều thách thức do biến chủng Delta.

Thứ hai, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề, áp lực lên chuỗi cung ứng. Khi đó, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.

HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức 5,1%, nhưng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi ảnh 3 HSBC tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ quay lại mức 6,8%.
Ông Evans khuyến cáo: "Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa, và HSBC kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam".
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm 2022

CEO HSBC cũng tự tin khẳng định ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, hoạt động tiêu dùng tại Việt Nam sẽ khôi phục rất mạnh mẽ. Nền kinh tế mở cửa trở lại, thì các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về, đầu tư nước ngoài cũng phục hồi cùng một loạt Hiệp định thương mại, và cam kết của chính phủ đầu tư 7% GDP vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông cũng hy vọng NHNN xem xét nới rộng thêm hạn mức tín dụng cho các NHTM, sau khi đã tăng hạn mức từ 10-12% lên 14-15% vừa qua, nhằm tạo khả năng hỗ trợ cho khối DN.

"Giải pháp này sẽ giúp các NH có thể cung cấp thêm khoản vay, nhằm đối phó với tình trạng suy giảm hoạt động do giai đoạn giãn cách xã hội đã khiến DN cạn kiệt dòng tiền", ông Tim Evans nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid.

Hiện, các nhà đầu tư Hàn Quốc, vốn hiểu rất rõ Việt Nam, đang tiếp tục hoạt động đầu tư. Samsung dự kiến mở rộng nhà máy điện thoại cuối năm nay, nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc.

Còn LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng...

HSBC: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức 5,1%, nhưng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi ảnh 4 Viễn cảnh kinh tế đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả tiêm vaccine cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.
Nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cũng sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản, vốn là thế mạnh của Việt Nam.

Điều đáng chú ý khác là đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa. Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.

Với vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu những năm gần đây, cùng chính sách tiền tệ ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng tập trung vào sản xuất, HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6,8%.

"Khách hàng của chúng tôi được khuyến cáo nên gạt bỏ những 'niềm đau' trước mắt, và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai, khi chúng ta vượt qua dịch bệnh tồi tệ này. Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, vì quốc gia này không ngại phải đương đầu với thách thức hay trở ngại", CEO Tim Evans khẳng định.

Nhà đầu tư nước ngoài rót 250 triệu USD vào startup công nghệ của Việt Nam

HSBC Việt Nam vừa hỗ trợ General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu vòng gọi vốn Serie B trị giá khoảng 250 triệu USD của VNLIFE - công ty khởi nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp NH, thanh toán số, du lịch trực tuyến và bán lẻ mới. 

Cụ thể, HSBC Việt Nam cung cấp cho General Atlantic và Dragoneer Investment Group dịch vụ ngoại hối và tư vấn mở tài khoản cho khoản đầu tư đầu tiên của họ vào Việt Nam.

Theo VNLife, khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng các mảng kinh doanh hiện tại, hỗ trợ phát triển nền tảng cũng như công nghệ mới, nhằm phục vụ tốt hơn các đối tác bán hàng và người tiêu dùng Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Việt Nam có môi trường khởi nghiệp năng động, với nhiều doanh nhân và doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực giàu tiềm năng như fin-tech, thương mại điện tử và giải pháp DN.

Cụ thể, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam đã tăng 215% trong khoảng thời gian từ 2015-2020 theo Vietnam Fintech Report 2020. Thanh toán vẫn là mảng lớn nhất, chiếm 31% trong số các công ty khởi nghiệp fintech.

HSBC đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ, nhờ dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.

Các tin khác