HSG -Cổ đông nhỏ thua thiệt, ông chủ thắng lớn

(ĐTTCO) - Dù hưởng lợi nhiều từ chính sách bảo hộ ngành thép, nhưng hiệu quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lại đi xuống do áp lực nợ vay ngân hàng. 
Tuy nhiên, trái ngược với nỗi buồn của cổ đông khi CP giảm giá, tài khoản của Chủ tịch HĐQT lại tăng mạnh nhờ lướt sóng trên chính CP mình đang điều hành.
Lợi nhuận suy giảm do lãi vay
HSG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn mạ, ống thép và ống nhựa từ nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) và thép cuộn cán nguội (CRC). Sau hơn 16 năm phát triển, HSG đã có những bước tiến rõ nét khi nắm giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm ngành tôn mạ nội địa, là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu tôn mạ lớn nhất Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 37% sản lượng trong năm 2016-2017.
HSG hiện có 11 nhà máy với công suất sản xuất hơn 2 triệu tấn/năm, và tiếp tục đầu tư tăng công suất với sản lượng tiêu thụ sản phẩm tăng trưởng bình quân 27%/năm.
 Theo BCTC niên độ 2016-2017, HSG có giao dịch bán hàng hóa với Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen (do ông Vũ làm chủ sở hữu) lên đến 4.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, BCTC không thể hiện rõ các giao dịch này được ghi nhận như thế nào, giá vốn hàng bán ra sao, giá trị hàng mua tính toán như thế nào.
Bên cạnh lợi thế từ doanh nghiệp đầu ngành, HSG còn được hưởng lợi từ quyết định áp thuế chống phá giá với tôn mạ từ tháng 4-2017 và tôn màu từ tháng 6-2017, với mức thuế 3,17-38,34% trong 5 năm.
Tuy nhiên, chính sách bảo hộ này đã không thể giúp HSG duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong niên độ tài chính 2016-2017 (bắt đầu từ quý IV-2016 đến hết quý III-2017).
Kết thúc năm tài chính 2016-2017, doanh thu thuần của HSG đạt 26.149 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.330 tỷ đồng (giảm 11,6% và hoàn thành 89% kế hoạch). Lợi nhuận sau thuế suy giảm trong năm 2017 nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay của HSG tăng mạnh so với 2016. 
HSG -Cổ đông nhỏ thua thiệt, ông chủ thắng lớn ảnh 1 Dẫn đầu vị thế trong ngành thép, được hưởng nhiều lợi thế từ chính sách, nhưng cổ đông nhỏ lẻ HSG vẫn chịu thiệt. 
Theo báo cáo tài chính (BCTC), nợ phải trả tính đến hết niên độ tài chính 2016-2017 của HSG đã lên đến 16.268 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với niên độ tài chính trước), trong đó vay và nợ thuê tài chính lên đến 11.847 tỷ đồng. Con số này tiếp tục gia tăng mạnh trong quý đầu tiên của niên độ tài chính mới.
Tính đến ngày 31-12-2017, nợ phải trả của Hoa Sen đã lên hơn 18.600 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 83%. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm 2017 cũng tăng gần 30% lên đến 2.924 tỷ đồng, cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của HSG tăng trưởng âm. 

Kế hoạch thận trọng
Kết quả kém tích cực trong năm vừa qua khiến HSG khá thận trọng với kế hoạch kinh doanh niên độ tài chính 2017-2018, dù dự báo doanh nghiệp sẽ ghi nhận được nhiều khoản lợi nhuận khác. Cụ thể, trong niên độ tài chính này, HSG đặt mục tiêu đạt 30.000 tỷ đồng doanh thu (tăng 15%) và 1.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 1%).
Xét về sản lượng tiêu thụ, kế hoạch đề ra được trình ĐHCĐ hơn 1,91 triệu tấn sản phẩm các loại (tăng 15%) nhờ vào đóng góp từ 5 nhà máy mới sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018, bao gồm Hoa Sen Nghệ An (giai đoạn 2), Hoa Sen Nhơn Hội, Hoa Sen Hà Nam, Hoa Sen Phú Mỹ và Hoa Sen Yên Bái.
Ngoài ra, theo Ban điều hành HSG, việc thoái vốn khỏi dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen - GMD, cũng sẽ đóng góp khoảng hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận (dự kiến ghi nhận vào quý II). Thêm vào đó, việc bán 2 bất động sản tại quận 2 và 9 cũng có thể mang về thêm cho HSG khoảng 100 tỷ đồng.
Như vậy, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận niên độ tài chính 2017-2018 chỉ tương đương với niên độ tài chính 2016-2017, dưới mức kỳ vọng của giới đầu tư. Giải thích việc này, Ban điều hành HSG cho rằng do thị trường tôn mạ đang dư cung, cộng thêm những thách thức trong cơ chế nhập khẩu của các quốc gia đối với mặt hàng tôn mạ, sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Thêm vào đó, lợi nhuận khổng lồ từ thị trường tôn mạ đang thu hút nhiều đối thủ cạnh tranh nên đang trở nên khốc liệt hơn. 
Giải trình này khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ, bởi HSG vẫn đang độc tôn trong lĩnh vực tôn mạ nhờ mạng lưới bán lẻ độc quyền dày đặc, khó có đối thủ nào có thể cạnh tranh lại. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần tôn mạ của HSG vẫn duy trì ổn định và vững vàng ở mức 33-34% dù các đối thủ cạnh tranh có nhiều nỗ lực gia tăng công suất. 

Chủ tịch HĐQT lãi lớn!
Theo thống kê, HSG có cơ cấu cổ đông tập trung cao, trong đó ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT và các bên liên quan đang nắm giữ gần 43% lượng CP đang lưu hành. Các bên liên quan với ông Vũ là Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen (nắm giữ khoảng 25,1%) và công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm (khoảng 6,92%). Việc tập trung quyền sở hữu tại các công ty pháp nhân do ông Vũ thành lập giúp HSG tập trung được quyền kiểm soát, tránh được những hoạt động thâu tóm riêng lẻ trong bối cảnh sở hữu NĐTNN tối đa tại HSG lên đến 51%. Tuy nhiên, việc tập trung quyền lực trong tay những lãnh đạo chủ chốt, sẽ khiến cổ đông nhỏ lẻ chịu nhiều rủi ro do không có tiếng nói trong các quyết định quan trọng.
Rủi ro dễ nhận thấy nhất với cổ đông đang nắm giữ HSG là giá CP gần như không tăng trưởng trong năm 2017, thậm chí sụt giảm 20% kể từ đầu năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, trái ngược với nỗi buồn do thua lỗ của NĐT, tài khoản của ông Vũ lại tăng mạnh nhờ những đợt lướt sóng CP HSG. Đơn cử, tháng 6-2017, khi giá HSG đang dần hồi phục sau đợt rơi mạnh từ vùng 50.000 đồng/CP, ông Vũ đặt lệnh bán ra gần 9,6 triệu CP và thu về gần 310 tỷ đồng, nhưng 4 tháng sau ông lại mua vào 1 triệu CP sau khi HSG có chuỗi giảm giá cực mạnh. 
Ngay cả những doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Vũ cũng lãi lớn nhờ lướt sóng HSG. Điển hình Công ty Tam Hỷ bán 10 triệu CP trong đợt tăng giá của HSG, trong khi Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen lại mua bắt đáy thành công trong những đợt giá CP xuống thấp. Theo ông Vũ, ông mua vào CP HSG chỉ để đầu tư, không vì mục đích khác. Thế nhưng, với nhiều lần may mắn nhờ “mua thấp, bán cao” như vậy, cổ đông có quyền nghi ngờ về mục đích đầu tư của ông Vũ.

Các tin khác