Do đó, tình trạng doanh nghiệp (DN) lớn luôn được vay vốn dễ dàng trong khi DNNVV khó tiếp cận, khiến nhiều DN nhỏ không muốn đầu tư mới. ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, về giải pháp tháo gỡ khó khăn này.
Vốn NH không thể gánh cả nền kinh tế
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về tình hình cung ứng vốn cho DN hiện nay?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Tín dụng năm 2017 đến thời điểm này mới đạt hơn 12% so với 20-21% theo yêu cầu của Chính phủ. Trong khi đó, theo NHNN tín dụng tăng 18% là tốt và dư địa tăng trưởng những tháng cuối năm còn rất lớn. Riêng tại TPHCM, theo báo cáo nếu tăng trưởng tín dụng 18% sẽ có khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.
Vấn đề là nền kinh tế có hấp thụ hết được hay không. Hiện lãi suất đã giảm, tỷ giá ổn định, nợ xấu đã có Nghị quyết 42 để xử lý. Nếu năm nay xử lý được 90.000 tỷ đồng nợ xấu sẽ có nguồn tiền để khai thông nhiều vấn đề.
Quan điểm của Chính phủ đã xem kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Nhưng phải nói rằng sự phát triển kinh tế tư nhân gần đây bên cạnh những DN tốt, kinh doanh hiệu quả, số DN yếu kém về quản trị còn khá lớn. Đó là những yếu điểm phải nhìn thấy. Những hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết, Chính phủ tạo thể chế tốt, chính sách ổn định và tạo môi trường bình đẳng cho DN, phần còn lại DN tư nhân phải tự thân vươn lên mới có thể lớn lên được. |
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là DN mỏng vốn, tức vốn chủ sở hữu so với dự án đầu tư rất nhỏ, kinh doanh chỉ dựa vào vốn NH nên chi phí tài chính rất cao. Vốn của DN tách thành 2 phần, gồm phần vốn chủ sở hữu và phần đi vay (tức nợ). Hiện nay do tình trạng vốn mỏng, có nghĩa nhu cầu vốn lớn phải đi vay, nhờ vậy vốn DN cần là nợ.
Theo lý thuyết, các DN huy động dòng tiền để đầu tư ngắn chủ yếu qua NHTM, còn vốn trung và dài hạn huy động qua các công cụ như trái phiếu hay cổ phiếu qua thị trường chứng khoán.
Nhưng dù thị trường chứng khoán đang phát triển rất sôi động, tôi vẫn tin rằng không tạo ra được 25% tổng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, mà vốn cho DN vẫn dựa chủ yếu vào NHTM. Tình trạng này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa, NHTM vẫn một mình một chợ cung cấp vốn ngắn, trung và dài hạn.
Đây là vấn đề của Việt Nam, khác với các nước vốn trung và dài hạn huy động trên thị trường vốn và NHTM cung ứng vốn ngắn hạn. Nguyên nhân do thị trường tài chính Việt Nam phát triển khập khiễng. Thị trường vốn trung, dài hạn, thị trường tiền tệ và vốn chủ yếu vẫn phát triển chung trên thị trường tiền tệ. Do đó mới có yêu cầu của NHNN buộc huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 30%, rồi điều chỉnh lên 40%, 50% và hiện vẫn đang trong quá trình điều chỉnh.
Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: P.LONG
Cần nhiều kênh tiếp cận vốn
- Hiện nay, vốn đầu tư của DN chủ yếu đến từ NH, nhưng do DNNVV, đặc biệt là DN tư nhân khó tiếp cận vốn, nên đã không muốn đầu tư trung và dài hạn nữa. Vậy vấn đề này phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Hiện đang tồn tại nghịch lý: nhiều DN nhỏ khó tiếp cận vốn, kêu lãi suất cao do đó không đầu tư trung và dài hạn, trong khi tại nhiều NHTM phải năn nỉ các DN lớn vay với lãi suất thấp nhưng DN không vay. Để tháo gỡ vấn đề này, tháng 7-2012, NHNN và UBND TPHCM đã triển khai chương trình kết nối NH-DN tại TP.
Chương trình ra đời trong bối cảnh tình trạng nợ xấu của Việt Nam được ví như cục máu đông. Một loạt DN vướng vào nợ nhưng hoàn toàn có khả năng tháo gỡ nếu có tiền, nhưng NH không dám cho vay vì có rủi ro. Khi các bên như UBND TPHCM, các quận huyện và NHNN chi nhánh TPHCM tham gia tháo gỡ và kết nối NH với DN, đã giải quyết được vấn đề này.
Ghi nhận sau 1 năm triển khai cho thấy các DN được vay không vướng vào nợ xấu.
Hiện chương trình kết nối NH-DN đã được triển khai rộng rãi trên nhiều tỉnh, thành cả nước và cần đẩy mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh hiện tại, chương trình nên tập trung tháo gỡ những DN có khả năng mở rộng kinh doanh hiệu quả. Theo đó, trước đây kết nối NH-DN cho vay để trả nợ, còn bây giờ phải hướng đến những đối tượng vay để phát triển đầu tư mới, đổi mới công nghệ.
Hiện chương trình kết nối NH-DN đã được triển khai rộng rãi trên nhiều tỉnh, thành cả nước và cần đẩy mạnh hơn nữa. Trong bối cảnh hiện tại, chương trình nên tập trung tháo gỡ những DN có khả năng mở rộng kinh doanh hiệu quả. Theo đó, trước đây kết nối NH-DN cho vay để trả nợ, còn bây giờ phải hướng đến những đối tượng vay để phát triển đầu tư mới, đổi mới công nghệ.
Còn giải pháp nữa là phải phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng. Bảo lãnh tín dụng bản chất là hỗ trợ vay tín chấp và kết nối DN với NH, đây là kết nối hữu cơ. Khi dự án được quỹ thực hiện bảo lãnh, NH cho vay và có trách nhiệm giám sát tài sản hình thành từ vốn vay. Nếu DN phá sản, tài sản đó bán thiệt hại bao nhiêu NH sẽ chịu trách nhiệm 30% và quỹ bảo lãnh tín dụng chịu 70%. Nhưng tại Việt Nam muốn bảo lãnh tín dụng cũng phải thế chấp tài sản. Đây là vấn đề cần tháo gỡ để hỗ trợ DN tiếp cận vốn.
- DN khởi nghiệp cũng là đối tượng được xác định ưu tiên hỗ trợ đầu tư, song nhóm DN này vẫn gặp nhiều khó khăn trong vay vốn. Theo ông, để khởi nghiệp thành công có cần thêm chính sách hỗ trợ cho nhóm DN này?
- Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang phát triển với nhiều dạng, nhiều lĩnh vực và có rất nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới. Khởi nghiệp gắn liền năng lực sáng tạo của DN mới ra đời, nhưng thông thường 10 người sáng tạo số thành công chỉ vài người, nên ở các nước khởi nghiệp gắn liền với các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trong khi đó, Việt Nam đang hiếm quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Do đó, để hỗ trợ những DN này, khi triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV phải lồng ghép nội dung hỗ trợ khởi nghiệp cụ thể theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn DN nào nghiên cứu thì hỗ trợ công nghệ, DN cần tín dụng phải phát huy vai trò quỹ bảo lãnh tín dụng.
Ngoài ra cần hỗ trợ những DN này kết nối với các DN lớn để sử dụng sản phẩm của họ, giúp họ đào tạo nguồn nhân lực, tạo tâm lý được làm ăn lâu dài ổn định để họ có động lực phát triển, từ DN nhỏ sẽ lớn dần.
- Xin cảm ơn ông.