Hôm qua 3-4, tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp một số bộ, ngành tổ chức ở Tuyên Quang, các nhà đầu tư đã cam kết đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào vùng Tây Bắc, trong khi các ngân hàng thương mại cũng cam kết đồng hành về vốn tín dụng để phát huy tiềm năng vùng kinh tế quan trọng này.
Kết nối hạ tầng phải đi trước
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế phía Bắc. Về địa lý, bên cạnh là phên dậu của đất nước, Tây Bắc có nhiều danh lam thắng cảnh khai thác du lịch.
Tuy nhiên, đây lại là vùng có nhiều khó khăn nhất của đất nước. Hiện nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài toàn vùng Tây Bắc đạt hơn 2,4 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các tỉnh trong vùng. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng muốn phát triển Tây Bắc, kêu gọi đầu tư với tiềm năng, lợi thế và cơ chế ưu đãi, trước hết phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối Tây Bắc với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đây là nền tảng chính để thúc đẩy Tây Bắc phát triển, là điều kiện lớn để nhân dân các tỉnh trong vùng thoát nghèo, tiến kịp miền xuôi. Vì thế, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần xã hội hóa việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, thúc đẩy Tây Bắc phát triển bền vững.
Về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Đinh La Thăng cho biết ngành giao thông đang đẩy nhanh tiến độ 2 dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Thái Nguyên để hỗ trợ phát triển vùng Tây Bắc. Đến năm 2020 sẽ cơ bản kiên cố hóa các quốc lộ, kết nối với các tuyến đường chính tại khu vực Tây Bắc, với nhu cầu vốn đầu tư gần 125.000 tỷ đồng.
“Bộ GT-VT sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành đề xuất cơ chế, nguồn lực, từ ODA, ngân sách nhà nước và hợp tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng giao thông trong vùng. Trong quá trình triển khai, đề nghị các địa phương phối hợp hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng để các dự án hoàn thành đúng tiến độ” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Cần cơ chế đặc thù
Đến từ phía Nam, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, kiến nghị để phát triển vùng Tây Bắc phải có chính sách đặc biệt để thu hút nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư từ TPHCM, nhất là lĩnh vực du lịch, cung cấp hàng hóa dịch vụ. Ông Lê Mạnh Hà đề nghị các tỉnh trong vùng tạo điều kiện cho DN của TP đầu tư vào đây như Saigontourist, Saigonco.op, Fahasa… Bên cạnh đó, khó khăn về vốn cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Nguyễn Văn Bình, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn khu vực Tây Bắc đến cuối năm 2012 đạt 110.052 tỷ đồng, tăng 16,34% so với cuối năm 2011. Trong đó, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 40,6% trên tổng dư nợ và có mức tăng trưởng 16,3% (cao hơn mức tăng chung của cả nước).
Thống đốc cho biết tại hội nghị các ngân hàng sẽ ký kết 14 hợp đồng đầu tư với số vốn lên tới 19.078 tỷ đồng và 35 triệu USD vào Tây Bắc. Các lĩnh vực thế mạnh của vùng sẽ được ưu tiên đầu tư như xây dựng thủy điện, khai khoáng, luyện kim, may mặc, phát triển cây cao su...
![]() |
Lãnh đạo BIDV ký kết hợp đồng tín dụng đầu tư vào vùng Tây Bắc. |
Để tạo điều kiện cho các ngân hàng đồng hành với các dự án đầu tư, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), đề nghị ban hành cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ đối với vùng Tây Bắc để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực... nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh và bền vững: “Ngân hàng Nhà nước cần sớm có định hướng dài hơi chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia cung ứng vốn cho phát triển kinh tế địa phương, đồng thời liên kết hợp tác giữa các ngân hàng đồng tài trợ vốn cho các dự án lớn của khu vực và từng địa phương”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự quyết liệt, tâm huyết trong đầu tư, kinh doanh vào các tỉnh Tây Bắc. Theo đó, các địa phương, bộ, ngành cần khẩn trương vào cuộc. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh tập trung gắn với lợi thế các tiểu vùng và cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bộ GT-VT khẩn trương chuẩn bị hoạt động đầu tư, nâng cao các tuyến giao thông trọng điểm, đề xuất các dự án do bộ quản lý để thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ vốn cho các dự án đã ký kết vùng Tây Bắc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh Tây Bắc cần hoàn thiện công tác quy hoạch, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách ưu tiên đối với địa bàn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.