Nguồn vốn huy động trong hệ thống NHTM sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó việc huy động vốn ngắn và dài hạn từ dân cư ngày càng cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, kênh huy động vốn ngoại từ các định chế tài chính nước ngoài được nhiều NHTM tính đến nhưng cũng thừa nhận rất khó vay.
Không hiệu quả vì lãi suất cao
Hiện nay các NHTM huy động vốn từ dân cư đang đứng trước rủi ro lớn về kỳ hạn huy động và cho vay. Bởi lẽ hầu hết kỳ hạn gửi tại hệ thống NHTM là kỳ hạn ngắn 1-3 tháng vì kỳ hạn dài với lãi suất cao các NHTM rất khó huy động vốn. Vì vậy, việc tìm nguồn vốn trung, dài hạn ở nước ngoài là vấn đề quan tâm hiện nay.
![]() |
Tuy nhiên, trả lời cổ đông tại ĐHCĐ mới đây về việc ACB có kế hoạch gì cho việc huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết: “ACB là đơn vị đi đầu trong việc đàm phán với các tổ chức nước ngoài xây dựng các khoản vay, hoặc phát hành trái phiếu nước ngoài để có nguồn vốn cấp 2. Nhưng 3 năm gần đây, do diễn biến thị trường phức tạp, việc gọi vốn thời điểm này không hiệu quả.
Ông Hải lý giải: Để huy động vay một khoản trái phiếu 5 năm đáp ứng yêu cầu vốn cấp 2, lãi suất huy động thời điểm này phải trả cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 7,85-8,5%/năm là quá cao. ACB đang tiếp tục làm việc với các định chế tài chính nước ngoài để lựa chọn thời điểm phù hợp”.
Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, từ đầu năm đến nay vay vốn ngắn hạn từ định chế tài chính nước ngoài trong khu vực NH tăng trưởng bình quân 800 triệu USD/tháng. Nếu tốc độ này được giữ nguyên đến cuối năm, có thể vay ngắn hạn ở mức 8-9 tỷ USD, tăng so với năm 2010 khoảng 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào phân tích của các tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s và Standard & Poor’s, khi đánh giá tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại hối quốc gia. Tỷ lệ này năm 2009 khoảng 35%, năm 2010 khoảng 70% và được đánh giá là không tốt khi tỷ lệ nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại hối quốc gia tăng.
Vì thế, ngưỡng vay nợ nước ngoài còn bị khống chế bởi tỷ lệ trên. Nếu tỷ lệ này tăng nữa, các NHTM nội địa phải chịu lãi suất rất cao khi vay vốn nước ngoài.
Một phó tổng giám đốc DongABank cho rằng, với những đánh giá gần đây của tổ chức xếp hạng quốc tế, lãi suất huy động ngắn hoặc dài hạn của Việt Nam có xu hướng tăng lên. Tức vay vốn nước ngoài còn đắt hơn vay vốn trong nước.
Thí dụ, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ trong nước hiện chỉ 3%/năm, cộng thêm vài khoản phí lên 3,5-4%/năm vẫn rẻ hơn huy động bên ngoài. Vì vậy, thời điểm này mặc dù vốn trong nước đang hạn hẹp nhưng khả năng đi vay vốn ở bên ngoài, kể cả vay ngắn và dài hạn, đều không có hiệu quả.
Rủi ro tỷ giá?
Dù tỷ giá hối đoái có vẻ đang ổn định, nhưng trong trung hạn, các NHTM của Việt Nam cũng như người cho vay ở nước ngoài khó có thể dự đoán được xu hướng biến động của tỷ giá hối đoái. Theo nhiều phân tích có 2 xu hướng tác động đến rủi ro hối đoái, đó là lạm phát vẫn còn cao và tác động đến tỷ giá hối đoái thực của VNĐ.
Nói cách khác lạm phát buộc VNĐ phải giảm giá để có thể giữ nguyên được sức mua so với USD. Tuy nhiên, xu hướng này còn bị tác động bởi một yếu tố ngược là bản thân USD cũng đang mất giá so với nhiều đồng tiền khác. Cân bằng được 2 xu hướng này (VNĐ mất giá so với USD, USD mất giá so với đồng tiền khác), có thể lãi suất thực của VNĐ bị đánh giá cao so với thực tế không lớn. Vì vậy, khả năng tiếp tục tăng tỷ giá hối đoái trong những tháng tới đây rất thấp.
Bên cạnh đó là vấn đề cán cân thanh toán quốc tế. Theo phân tích mới đây của NHNN, thặng dự của cán cân thanh toán quốc tế khoảng 2 tỷ USD. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, con số này khoảng trên 1 tỷ USD. Dù con số ước tính của 2 cơ quan này có sự chênh nhau nhưng đều cho thấy sức ép của cán cân thanh toán quốc tế với tỷ giá hối đoái không lớn.
Nói cách khác, việc dự trữ ngoại hối quốc gia của NHNN sẽ tăng lên 1 hoặc 2 tỷ USD trong năm nay. Như vậy, tỷ giá hối đoái theo nhận định của nhiều chuyên gia sẽ tương đối ổn định, có lợi cho việc NHNN mua ngoại tệ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các NHTM, tập đoàn lớn vẫn luôn có khoản dự phòng tăng tỷ giá hối đoái và các nhà cho vay quốc tế cũng như các NHTM nước ngoài cũng khó có thể dự đoán chính xác tỷ giá sẽ ổn định hay không, nếu chỉ nhìn vào lạm phát trước mắt.
Vì vậy, vào thời điểm hiện tại, cho vay hoặc đi vay ngắn hạn ở nước ngoài không chỉ phải chịu rủi ro tiền tệ từ lãi suất cao, mà còn có thể gánh áp lực về tỷ giá hối đoái.