HVN nguy cơ vỡ kế hoạch 2018

(ĐTTCO) - Không chỉ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, CTCP Hàng không Việt Nam (HVN) còn phải đối mặt với tình trạng tăng giá nhiên liệu và rủi ro tỷ giá. Thực trạng khó khăn này khiến cho HVN đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Tỷ suất lợi nhuận giảm
Doanh thu năm 2017 của HVN đạt 82.951 tỷ đồng (tăng 18%) với đóng góp chính từ mảng vận tải hàng không (chiếm 83% tổng doanh thu), lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 3.155 tỷ đồng (tăng 21%). Thực tế doanh thu tăng trưởng nhờ việc mở thêm một số đường bay mới Hà Nội - Sydney (Australia), tăng thêm tần suất của các chuyến bay Hà Nội - Yangon (Myanmar), Đà Nẵng - Hàng Châu (Trung Quốc) và thị trường Đông Bắc Á bùng nổ.
Nhưng đóng góp vào lợi nhuận của HVN là các công ty con của HVN hoạt động tương đối hiệu quả, trong đó có các công ty đóng góp lớn cho kết quả hợp nhất như CTCP Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS), CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), đều có tăng trưởng tốt ở mức 15%. Hiện HVN hoạt động theo mô hình mẹ con với 15 công con và 5 công ty liên kết, đa phần các công ty hoạt động trong các lĩnh vực vận tải hàng không, dịch vụ và phụ trợ.
 Cổ đông lớn nhất của HVN hiện nay là Bộ Giao thông-Vận tải với 86,16% cổ phần. HVN đã trình phương án kế hoạch thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020. Theo đó, ngày 2-7, HVN hoàn thành đợt phát hành tăng vốn chủ sở hữu và dự kiến niêm yết trên sàn HOSE trong quý III-2018.
Tổng tài sản của HVN tại thời điểm ngày 31-12-2017 đạt 88.551 tỷ đồng (giảm 8,2%), trong đó tài sản dài hạn giảm 9,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do HVN bán 4 tàu bay B777 và không đầu tư mua thêm tàu bay mới. Tài sản ngắn hạn giảm 5,3% so với năm 2016, do giảm tiền ứng trước mua các tàu bay A350 để thực hiện cấu trúc bán và thuê lại trong năm.
Nợ phải trả khoảng 71.118 tỷ đồng (giảm 11,4%), do trong kỳ HVN đã thực hiện cấu trúc bán và thuê lại 5 tàu bay và chủ động trả trước hạn đối với các khoản vay dài hạn có lãi suất cao. Mục tiêu trong năm 2018 là giảm trên 8.000 tỷ đồng nợ dài hạn (khoảng 21% tổng dư nợ tính tới cuối năm 2017). Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2017 lại giảm so với năm 2016 (từ 15% giảm xuống 13%), do chi phí nhiên liệu (chiếm 36% tổng chi phí) tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016. 

Rủi ro kép
Năm 2018, HVN đặt kế hoạch tăng trưởng về sản lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 10%. Doanh thu cũng được doanh nghiệp kỳ vọng với mức tăng tương ứng khoảng 14%, tương đương 97.073 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đều có kế hoạch thấp hơn so với năm 2017 khoảng 23-28%. Để có thể đạt được kế hoạch đề ra về doanh thu và lợi nhuận, HVN tập trung vào hoạt động phát triển đội tàu bay.
Dự kiến, HVN nhận thêm thêm 2 tàu bay A350 và 9 tàu bay A321-neo, trả sớm 4 tàu bay thuê ATR72 và 3 tàu bay thuê A330 đến hạn. Tổng số tàu bay đến cuối năm 2018 là 98 chiếc và dự kiến khai thác trung bình 92,7 tàu bay. Song song đó, HVN còn thực hiện chiến lược thương hiệu kép, phục vụ đối tượng khách hàng trung - cao cấp. 
Dù kế hoạch kinh doanh khá căn cơ, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch của HVN lại khá mong manh. Theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), nguyên nhân do giá xăng Jet A1 chiếm khoảng 36% tổng chi phí. Theo như thống kê của HVN, cứ 1USD tăng lên của giá xăng sẽ khiến cho chi phí của HVN tăng lên tương ứng khoảng 230 tỷ đồng (tương đương 9% lợi nhuận trước thuế). Trong khi đó, kịch bản kế hoạch năm 2018 của HVN được xây dựng trên cơ sở giá xăng Jet A1 khoảng 73USD/thùng. Song thực tế trong tháng 4-2018, giá xăng Jet A1 đã tăng khoảng 41% so với đầu năm 2018, đạt 85USD/thùng. 
HVN nguy cơ vỡ kế hoạch 2018 ảnh 1 Áp lực tăng giá xăng và biến động tỷ giá sẽ tạo sức ép cho HVN. 
HVN không đưa ra các chính sách về việc chuyển giá bao nhiêu phần trăm vào giá vé nếu như giá xăng tiếp tục tăng và chỉ cho biết chính sách phòng vệ rủi ro không quá 35% tổng lượng xăng cần cung ứng và hợp đồng kỳ hạn không quá 18 tháng.
Theo như dự báo ngắn hạn về giá dầu của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ vừa đưa ra cuối tháng 4, giá dầu Brent đạt trung bình 72USD/thùng (tăng 6USD/thùng so với tháng 3). Cũng theo đó, tổ chức này dự báo giá giao ngay của dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 71USD/thùng trong năm 2018. Mức giá dầu Brent này tương đương với khoảng 83USD/thùng tính trên sản phẩm xăng Jet A1.
Không chỉ gặp bất lợi vì biến động giá xăng, HVN còn gặp rủi ro về tỷ giá VNĐ/USD và lãi suất. Tính tới thời điểm 31-12-2017, dư nợ gốc ngoại tệ (USD) trên báo cáo tài chính của HVN là 13.896 tỷ đồng (chiếm 31% tổng nợ vay dài hạn). Lỗ chênh lệch tỷ giá HVN ghi nhận tại báo cáo tài chính năm 2017 chỉ khoảng 446 tỷ đồng (giảm 70% so với năm 2016).
Tuy nhiên, trong quý I-2018, trước những biến động từ nền kinh tế thế giới và việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất, tỷ giá VNĐ/USD đang có xu hướng tăng. Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá VNĐ/USD có thể tăng 1,5-2% trong năm 2018. Kết quả trong quý I-2018, HVN cũng đã ghi lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 343 tỷ đồng.

Các tin khác