Hy Lạp đã tới bước đường cùng?

Ngày 12-5, Hy Lạp thừa nhận đã phải sử dụng đến quỹ dự trữ khẩn cấp của nước này trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trả nợ cho chính định chế này, hòng tránh nguy cơ vỡ nợ ngay trước mắt.

Ngày 12-5, Hy Lạp thừa nhận đã phải sử dụng đến quỹ dự trữ khẩn cấp của nước này trong Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trả nợ cho chính định chế này, hòng tránh nguy cơ vỡ nợ ngay trước mắt.

Quan chức Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho biết các nước thành viên của IMF được yêu cầu giữ một tài khoản để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Song, khoản tiền này chỉ được dùng khi có sự đồng ý của IMF.

Reuters hôm 12-5 đưa tin một quan chức Hy Lạp cho biết nước này đã dùng khoảng 650 triệu EUR từ tài khoản trên và 100 triệu EUR còn lại từ tiền mặt dự trữ quốc gia để thanh toán khoản nợ IMF trị giá 750 triệu EUR vào ngày 11-5. IMF hôm 12-5 xác nhận Athens đã trả nợ, nhưng từ chối bình luận về việc làm thế nào nước này thanh toán được khoản tiền trên với lý do không công khai chi tiết về giao dịch của các thành viên với quỹ.

Động thái diễn ra trong bối cảnh cả thế giới hồi hộp theo dõi diễn biến những cuộc đàm phán của Hy Lạp với các chủ nợ về cải tổ và tái cơ cấu nợ, mà nếu thất bại Athens sẽ không được giải ngân đợt kế tiếp với 7,2 tỷ EUR (8,03 tỷ USD). Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu Eurogroup, nói với CNBC rằng dù có một số tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Những kế hoạch chi tiết hơn đã được đặt trên bàn, nhiều con số và dữ liệu hơn, vì vậy chúng tôi cũng dần dần đi tới được điểm nào đó. Nhưng một số vấn đề chính vẫn còn phải bàn bạc. Chẳng hạn một số biện pháp cải tổ lớn cần thực hiện để Hy Lạp có thể đứng vững vẫn chưa đạt đồng thuận” - ông Dijsselbloem nói với CNBC.

Động thái này có thể là một tin tốt, vì nó cho thấy Athens cho đến nay vẫn cố làm mọi cách để tuân thủ các nghĩa vụ nợ quốc tế. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều người lo lắng, vì nó đồng nghĩa với việc Athens đã hết “vũ khí” để sử dụng trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Những người này tin rằng Hy Lạp sẽ không thể “kéo dài cuộc chơi”.

Nền kinh tế Hy Lạp đã quá tệ, suy thoái ngày càng sâu và không biết bao giờ mới có thể lấy lại tăng trưởng, tức nước này tiếp tục phải phụ thuộc vào nợ mới để trả nợ cũ và nợ sẽ ngày càng chất chồng. Việc lấy quỹ khẩn cấp để trả nợ hôm thứ 3 là một thí dụ. Athens đã phải lấy chính tiền ở IMF để trả cho IMF. Nếu các chủ nợ nước ngoài không đồng ý tha một phần trong số nợ 324 tỷ EUR, Hy Lạp khó có thể quay lại với tăng trưởng kinh tế bền vững. Tệ hơn, các nhà đầu tư và người gửi tiền ngân hàng sẽ ngại gửi tiền ở Hy Lạp.

Hy Lạp đang đối mặt với tương lai xám.

Hy Lạp đang đối mặt với tương lai xám.

Mohamed A. El-Erian, Giám đốc tư vấn kinh tế của Allianz, trước đây là một giám đốc của quỹ Pimco, cho rằng nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nguy cơ rất lớn cho một “tai nạn”, có thể hủy hoại mọi khả năng phục hồi của Hy Lạp và thậm chí tạo ra một thảm họa của nhân loại. Thủ tướng Alexis Tsipras, người lên nắm quyền từ tháng 1 với lời hứa sẽ chống lại những biện pháp khắc khổ do các chủ nợ áp đặt, đang tìm mọi cách để giúp Hy Lạp giữ được nghĩa vụ nợ.

Các khoản thu thuế đã hồi phục nhẹ trong bối cảnh người dân bắt đầu đóng thuế trở lại trong một chương trình hàng tháng do chính phủ mới triển khai, giúp giảm căng thẳng tiền mặt. Nhưng bất kỳ sự cải thiện tài chính bền vững nào cũng đòi hỏi tăng trưởng kinh tế ổn định, một điều dường như xa vời với Hy Lạp hiện nay.

Nhiều nhà kinh tế và đông đảo dân chúng Hy Lạp đổ lỗi cho các biện pháp khắc khổ đã làm nẩy sinh nhiều vấn đề hơn cho đất nước. Nhưng các chủ nợ nói chính người Hy Lạp đã không theo đuổi các biện pháp để nền kinh tế đứng vững hơn. Những biện pháp đó bao gồm tăng thuế, tăng cho vay doanh nghiệp và tiêu dùng, giảm chi phí quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi Hy Lạp; trong khi các ngân hàng trong nước hầu như không thể cho vay doanh nghiệp vì nợ xấu quá cao; còn người tiêu dùng vì quá lo lắng cho tương lai nên không muốn gửi tiền tại các ngân hàng. Tất cả như một vòng luẩn quẩn, và đến nay Athens đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng là lấy quỹ khẩn cấp và tiền mặt dự trữ để trả nợ. Nói cách khác, họ như một con nợ nay đã bị lột gần sạch đồ mà vẫn còn một núi nợ chất chồng.

Các tin khác