Cùng với cuộc khủng hoảng nợ, Hy Lạp đang diễn ra tình trạng di cư ngược. Hàng nghìn người thành thị tìm về vùng quê trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ khiến nền kinh tế xứ sở thần thoại khó khăn chưa từng có từ sau thế chiến thứ 2.
Trên những ngọn đồi ở Andritsaina, trong căn nhà đá lớn nhìn ra bãi cỏ xanh tươi và thung lũng bên dưới, một nhóm thanh niên Athens đang bận rộn xây dựng lại cuộc sống. Trước đây khi Athens chưa rơi vào “chảo dầu sôi” khủng hoảng nợ công, Andritsaina không phải là nơi ưa thích của cư dân thành thị Hy Lạp. “Như vậy là quá đủ, chúng tôi muốn sống cuộc sống Hy Lạp thực sự và đó là một nơi nào khác Athens ngột ngạt. Các chính trị gia đã khiến chúng tôi thất vọng” - một người tên Yiannis Dikiakos nói.
Thu gom tài sản lên một chiếc xe, người doanh nhân trẻ tuổi bắt đầu cuộc hành trình 273km đến Andritsaina. Dikiakos cùng nhóm bạn 10 người muốn từ bỏ cuộc sống ở thủ đô để xây dựng cuộc đời mới tại Andritsaina. Họ là một phần của cuộc di cư ngược tại Hy Lạp hiện nay. Giorgos Galos, giáo viên ở Proti Serron thuộc đồng bằng Macedonia ở miền Bắc Hy Lạp, cho biết: “Đó là quyết định lớn nhưng nhiều người đã thực hiện. Tôi biết nhiều người ở Thessaloniki (thành phố lớn thứ 2 Hy Lạp) muốn quay lại với cuộc sống thôn dã. Cuộc khủng hoảng đã ăn mòn các giá trị sống của người dân thành thị và họ không chịu đựng nổi. Số người về quê sẽ ngày càng nhiều hơn vì mọi thứ đều rẻ hơn nhiều so với ở Thessaloniki”.
![]() |
Một người mua sắm đi ngang cửa hiệu bị đóng cửa ở Athens. |
Mới nhất, các giới chức châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đồng ý “tái cấu trúc nhẹ” nợ Hy Lạp, sau khi có nhiều dấu hiệu Hy Lạp sẽ không quay lại thị trường tài chính toàn cầu dù đã được ứng cứu 110 tỷ EUR năm ngoái. Một khảo sát cho biết có 85% giới đầu tư quốc tế tin Hy Lạp sẽ vỡ nợ.
Để nhận gói ứng cứu trên, Chính phủ đã phải cắt giảm lương trong lĩnh vực công, chi tiêu an sinh và hưu trí, việc làm, tăng thuế và để lạm phát gia tăng. Điều này khiến người dân thành thị bắt đầu mơ tưởng đến cuộc sống bình yên ở thôn quê. GDP Hy Lạp dự báo giảm 3% trong năm nay, mức giảm sâu nhất châu Âu và là năm suy thoái thứ 3 liên tiếp.
Ở Athens, nơi cư ngụ của khoảng 11 triệu dân, dấu hiệu khắc khổ và nghèo đói có thể nhìn thấy ở khắp nơi: Những người vô gia cư và thiếu ăn phải lục lọi thùng rác vào buổi tối; người về hưu nhặt rác ở các con phố bán rau quả; những cửa hiệu đóng cửa và hàng nghìn người thành thị không thể đưa gia đình đi chơi hoặc ăn nhà hàng như trước đây. “Chúng tôi phải xa lánh nhà hàng, không mua quần áo mới và ăn ít thịt hơn. Với các chính sách khắc khổ, thu nhập của chúng tôi giảm khoảng 450EUR/tháng. Nhưng tôi vẫn còn may vì 2 vợ chồng có việc làm. Rất nhiều người thất nghiệp và đang bị đói. Họ phải xin thức ăn từ người thân và bạn bè” - bà Vasso Vitalis, mẹ của 2 đứa con đang phải chật vật với cuộc sống ngày càng khó khăn, thở dài.
“Trong quá khứ, tương lai hàm chứa hy vọng, nhưng nay nó chỉ chứa nỗi sợ hãi. Người dân tin tưởng với các biện pháp khắc khổ, cuộc khủng hoảng sẽ qua đi trong 1-2 năm. Nhưng với khả năng Hy Lạp phải cầu cứu thêm, mọi hy vọng của người dân đều tiêu tan” - Nikos Filis, biên tập viên tờ Avgi, cho biết. Với số người thất nghiệp chính thức 790.000 người (thực tế còn cao hơn nhiều), Hy Lạp đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội.
Những cuộc bạo loạn thường xuyên xảy ra. GS. kinh tế Yannis Caloghirou, Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, nói: “Hy Lạp đã trở thành một chiến trường. Ở mức châu lục, đây là cuộc chiến giữa các chính trị gia, những người khiến cuộc khủng hoảng càng tệ hơn. Ở tầm quốc gia, nó là cuộc chiến của nhân dân với chính quyền”.