Hy Lạp: Nội bộ bất đồng

Tại một cuộc họp khẩn cấp cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Hy Lạp thất bại trong việc thông qua những biện pháp khắc khổ mới do Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou đề xuất. Diễn biến này làm tăng quan ngại nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp, do trước đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói sẽ không ứng cứu thêm nếu Athens thất bại trong việc chỉnh đốn lại hệ thống tài chính.

Tại một cuộc họp khẩn cấp cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Hy Lạp thất bại trong việc thông qua những biện pháp khắc khổ mới do Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou đề xuất. Diễn biến này làm tăng quan ngại nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp, do trước đó Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói sẽ không ứng cứu thêm nếu Athens thất bại trong việc chỉnh đốn lại hệ thống tài chính.

Mục đích của cuộc họp ngày 27-5 để chứng tỏ cho các giới chức Liên minh châu Âu (EU) và IMF rằng Hy Lạp thực sự nghiêm túc trong việc chỉnh đốn lại hệ thống tài chính đang hư nát và có đủ nhiệt tình chính trị để tiến hành thêm các biện pháp khắc khổ sau 1 năm dài thắt lưng buộc bụng.

Thế nhưng những biện pháp khắc khổ mới do Chính phủ đưa ra đã không nhận được sự đồng thuận. Dù vậy, không từ bỏ hy vọng, Thủ tướng Papandreou khẳng định: “Trong những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt được đồng thuận. Chính phủ chịu trách nhiệm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng nợ và sẽ làm điều đó dù có đạt được sự đồng thuận hay không”.

Người Hy Lạp phản đối các biện pháp khắc khổ.

Người Hy Lạp phản đối các biện pháp khắc khổ.

Trước đó, Antonis Samaras, lãnh đạo đảng đối lập chính của Hy Lạp New Democracy, nói sẽ không ủng hộ chương trình “tàn phá nền kinh tế Hy Lạp và hủy hoại xã hội”. Ông Samaras kêu gọi tái đàm phán về những điều khoản trong gói ứng cứu 110 tỷ EUR do IMF và EU cấp hồi tháng 5-2010. Ông này cho rằng thay vì đẩy mạnh các biện pháp khắc khổ, Chính phủ nên hạ thuế và đẩy nhanh công cuộc tư hữu hóa các tài sản nhà nước.

Giữa tuần trước, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, ông Jean-Claude Juncker, nhắc lại rằng EU sẽ không tham gia nếu IMF rút lại 1/4 của gói ứng cứu khẩn cấp 12 tỷ EUR cho Hy Lạp vào tháng tới. Các lãnh đạo Hy Lạp đang yêu cầu những biện pháp ứng cứu thêm sau khi đất nước trượt mục tiêu giảm thâm hụt năm 2010, đẩy mục tiêu của năm nay và những năm tới xa hơn.

Một phái đoàn từ Ủy ban châu Âu (EC), IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang soạn thảo bản báo cáo về những tiến triển tại Hy Lạp, có thể sẽ công bố trong tháng tới. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đưa ra quyết định dựa trên bản báo cáo đó. Tình hình hiện rất khó khăn vì dư luận chung ở các nước chủ nợ ngày càng khắt khe và một số chính phủ khu vực euro, trong đó có Hà Lan, đã tuyên bố sẽ không tham gia gói ứng cứu thêm cho Hy Lạp nếu IMF không tham gia.

Tuần trước Hy Lạp nổi lên tin đồn Chính phủ sẽ phải bầu cử sớm hoặc phải quay lại với đồng drachma. Ủy viên Hàng hải châu Âu Maria Damanaki, người thuộc đảng Xã hội Hy Lạp, còn thêm dầu vào lửa khi cho rằng các nhà chức trách đang tiến hành những cuộc họp bí mật về khả năng rút lui khỏi khu vực euro của Hy Lạp.

Ngoài việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công, chương trình khắc khổ do Chính phủ Hy Lạp đề xuất lần này còn bao gồm kế hoạch tư hữu hóa nhiều tài sản quốc doanh, trong đó có việc bán bớt cổ phần ở Tập đoàn viễn thông OTE cho Deutsche Telekom.

Tuy nhiên, kế hoạch tư hữu hóa này cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân, những người cho rằng Chính phủ đang bán tài sản quốc gia cho nước ngoài. Trong 3 ngày cuối tuần trước, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Athens.

Các tin khác