“Kỳ lân” startup đầu tư vào startup
Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM và các tỉnh thành khác, nhiều startup vẫn gọi vốn thành công và nhận được sự đầu tư lớn. Điển hình như đầu tháng 6-2021, KKR - một trong những quỹ đầu tư lớn thứ ba thế giới, công bố đầu tư 100 triệu USD vào startup chuyên về giáo dục EQuest.
Hay vào tháng 9-2021, startup Ninja Van, chuyên về giao hàng nhanh, đã huy động thành công 578 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E. Số tiền đầu tư trong vòng này đến từ những nhà đầu tư như Geopost/DPDgroup - Tổng công ty Bưu chính Pháp, BCapital Group, Monk’s Hill Ventures và Zamrud - quỹ đầu tư Vương quốc Brunei.
Nguồn vốn từ vòng gọi vốn này được Ninja Van phân bổ cho việc phát triển mạng lưới và hệ thống công nghệ để tạo ra mô hình vận hành bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng trong hoạt động của Ninja Van tại Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Từ đầu năm 2021, một số startup khác cũng nhận được đầu tư, như Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới và nhờ đó startup MoMo nhận vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Ông Nitin Saigal, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Đầu tư của Kora Management, cho biết: “Kora rất vui mừng được hợp tác với MoMo.
Chúng tôi rất ủng hộ mục tiêu của công ty, góp phần mang lại các dịch vụ tài chính chất lượng cao cho người dân”. Hiện ví điện tử MoMo có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.
Mới đây, sự kiện thu hút nhiều người là việc “kỳ lân” startup VNG công bố đầu tư vào startup Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B, với khoản đầu tư trị giá 22,5 triệu USD. Như vậy, ngoài hỗ trợ giúp Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng đồng hành trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa việc đặt hàng, theo dõi đơn hàng.
Việc tìm kiếm các startup trong nước để đầu tư và đồng hành lâu dài nằm trong chiến lược của VNG đưa ra từ giữa năm 2020. Trước Telio, VNG đã đầu tư vào 2 startup khác là EcoTruck (thuộc lĩnh vực logistics) và Got It (nền tảng quà tặng trực tuyến) với giá trị lần lượt là 3,7 triệu USD và 6 triệu USD.
Nắm bắt cơ hội
“Startup luôn cần vốn đầu tư, nhất là giai đoạn ươm tạo. Muốn nhận được vốn đầu tư, startup phải thể hiện tiềm năng của mình và khi thể hiện được các giá trị phát triển, các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến. Mặc dù dịch Covid-19 tác động lớn đến kinh tế xã hội nhưng các quỹ đầu tư vẫn tìm được cơ hội và không hề “lơ là” việc săn tìm các startup triển vọng”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub, một đơn vị chuyên hỗ trợ startup cho hay.
Các công bố cho thấy, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam từ đầu năm đến nay là 290,43 triệu USD. Trước đó, tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra cuối năm 2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót hơn 810 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, 2021-2025.
Còn với thống kê được thực hiện bởi Quỹ đầu tư Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo (NIC), trong 9 tháng đầu năm nay, lượng vốn đổ vào các startup Việt Nam đạt khoảng 600 triệu USD và dự báo tổng vốn đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 1 tỷ USD.
Hy vọng đạt 1 tỷ USD cho startup càng được củng cố khi theo “thông lệ”, quý cuối cùng của năm 2021 là thời điểm các nhà đầu tư mạnh tay nhất để hoàn tất việc giải ngân nên giới chuyên gia đã kỳ vọng startup Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục nói trên.