
Hãng tin CNBC cho biết báo cáo của IEA ghi nhận nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,4% trong quý II-2017, tương đương tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày. Do vậy, IEA tăng mức dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong cả năm 2017 sẽ tăng 1,7%, lên mức 97,7 triệu thùng/ngày, tức tăng thêm 1,6 triệu thùng/ngày cao hơn mức dự báo 1,5 triệu thùng/ngày IEA đưa ra vào tháng trước. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày.
Neil Atkinson, Giám đốc bộ phận thị trường và ngành công nghiệp dầu của IEA, cho biết nhu cầu dầu mạnh mẽ báo hiệu sự tái cân bằng trên thị trường dầu đang diễn ra. Theo báo cáo của IEA, trong tháng 8, nguồn cung dầu toàn cầu giảm 720.000 thùng/ngày do các sự cố và hoạt động bảo dưỡng định kỳ ở các mỏ dầu, chủ yếu ở các nước ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 8 cũng lần đầu tiên giảm trong tháng 8. Mức giảm 210.000 thùng dầu/ngày, xuống còn 32,7 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân giảm là do tình hình bất ổn ở Libya làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu và do các thành viên khác của OPEC thực hiện nghiệm ngặt cam kết cắt giảm sản lượng. IEA dự báo giá dầu sẽ tăng trong thời gian tới nhưng không mạnh.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Bloomberg hôm 12-9 cho biết OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài OPEC đang cân nhắc việc kéo dài theo thời hạn của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Trước đây, các nước OPEC và các nước ngoài OPEC gồm Nga, Mexico, Kazakhstan ký thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày để ứng phó với nguồn cung dầu dư thừa trên toàn cầu. Thỏa thuận này đạt được vào cuối năm 2016, dự kiến chỉ kéo dài 6 tháng nhưng sau đó, các nước nhất trí kéo dài thỏa thuận thêm chín tháng nữa, tức đến tháng 3-2018.
Mặc dù cắt giảm sản lượng, giá dầu vẫn xoay quanh mức 50USD/ thùng, không thể bứt phá vì sản lượng dầu đá phiến Hoa Kỳ tăng trở lại. Giờ đây, OPEC và các nước trên đang thảo luận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm ba tháng nữa, tức có thể kéo dài đến tháng 6-2018.