Tại các trạm xăng quốc doanh trên khắp Indonesia, mua 1 lít xăng còn ít tốn kém hơn mua 1 chai nước khoáng.
“Nhiều người, đặc biệt những người có thu nhập thấp, vẫn phụ thuộc vào trợ cấp nhiên liệu” - Warya, một người đưa thư 60 tuổi, nói trong khi đổ xăng cho chiếc xe gắn máy của mình ở một cây xăng tại trung tâm thủ đô Jakarta, nơi công ty xăng dầu quốc doanh Pertamina bán nhiên liệu với giá trợ cấp chỉ 4.500 rupiah/lít xăng (khoảng 9.622 đồng).
Không giống nhiều nước trợ giá xăng dầu khác, Indonesia là một nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ, và chính phủ ước tính sẽ chi 193.800 tỷ rupiah (20 tỷ USD), tương đương 11% ngân sách hàng năm, để trợ giá xăng dầu trong năm nay.
Nhưng trong khi việc trợ giá nhiên liệu được những người đi xe như ông Warya và các nhà sản xuất/nhập khẩu xe hơi, xe gắn máy hoan nghênh, giá nhập khẩu nhiên liệu cao đang góp phần khiến thương mại xấu đi, và gia tăng sức ép lên đồng nội tệ rupiah, gây tổn hại cho những yếu tố tích cực từng giúp Indonesia trở thành một trong những thị trường mới nổi nóng nhất châu Á.
1 lít xăng ở Indonesia chỉ có giá tương đương 9.622 đồng. |
Chính phủ đã nhiều lần muốn tăng giá xăng dầu nhưng không thành công. Năm ngoái, chính quyền Jakarta phải hủy bỏ ý định nâng giá xăng dầu sau khi đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội cả trong quốc hội và trên đường phố.
Những người ủng hộ trợ giá cho rằng những người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề một khi giá nhiên liệu tăng lên, ngoài ra giá nhiên liệu tăng sẽ làm gia tăng chi phí vận chuyển, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ.
Nhưng nhiều nhà kinh tế tin rằng việc tăng giá như vậy chỉ là ngắn hạn. Hơn nữa, một số người tin rằng lạm phát gây ra do chính phủ phải duy trì chi tiêu trên trợ cấp nhiên liệu mới là đáng sợ và có tính cấu trúc dài hạn.
Một số nhà hoạch định chính sách và kinh tế gia gần đây đã lặp lại kêu gọi giảm trợ cấp nhiên liệu trong bối cảnh đồng rupiah đang bị mất giá nghiêm trọng và sự suy yếu tài khoản vãng lai. Rupiah là một trong những đồng tiền bị sụt giá nhiều nhất ở châu Á trong 12 tháng qua, và năm ngoái thâm hụt tài khoản vãng lai ở Indonesia đã chạm mức 24 tỷ USD, lần thâm hụt đầu tiên kể từ năm 1997.
“Chính phủ cần làm gì đó với giá nhiên liệu” - theo Chatib Basri, Cục trưởng Cục xúc tiến đầu tư của Indonesia. “Vì trợ giá nhiên liệu, giá cả trong nước và quốc tế đã chênh lệch quá mức, làm gia tăng hoạt động buôn lậu xăng dầu, và chúng ta cứ phải tiếp tục nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn”.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chính những người thuộc giai cấp thượng lưu và trung lưu đi xe hơi được hưởng lợi nhiều nhất. Những người này chỉ chiếm 50% số hộ gia đình ở Indonesia nhưng tiêu thụ hơn 80% nhiên liệu được trợ cấp, trong khi 10% người nghèo nhất chỉ tiêu thụ chưa tới 1%.
Dù gần 1/2 dân số 240 triệu người sống dưới ngưỡng 2USD/ngày, Chính phủ Indonesia chi tiêu cho trợ cấp nhiên liệu nhiều hơn cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, dù biết rằng những người giàu có lái xe hơi được hưởng lợi nhiều nhất từ trợ giá nhiên liệu, những người đi xe gắn máy như ông Warya vẫn muốn được trợ giá nhiên liệu hơn là trợ cấp tiền mặt.
“Sẽ rất khó khăn cho người nghèo nếu giá nhiên liệu tăng trong năm nay. Nếu xăng tăng giá, sẽ có các vụ bạo động diễn ra” - ông Warya nói. Trong ngắn hạn, cơ hội tăng giá nhiên liệu hầu như không có, vì Indonesia sẽ có cuộc tổng bầu cử vào năm tới và không đảng phái nào muốn làm phật lòng dân chúng.