Smart SIM còn lưu trữ dữ liệu cá nhân của tài xế và có thể được sử dụng như một thẻ thanh toán với sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương Indonesia và ba ngân hàng đối tác khác là BNI, BRI và Mandiri. Smart SIM cũng sẽ giúp cảnh sát xác định người vi phạm giao thông và tìm hiểu lịch sử lái xe của họ.
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Refdi Andri cho biết, Smart SIM được áp dụng cho tất cả các loại phương tiện cơ giới, song trong giai đoạn đầu chỉ mới được triển khai tại Jakarta và các thành phố lớn trong cả nước. Các cơ quan chức năng Indonesia hy vọng việc triển khai bằng lái xe điện tử sẽ góp phần giúp cải thiện an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Trước đó, ngày 20-9, Thái Lan cũng chính thức từ bỏ việc tịch thu bằng lái của người vi phạm, hình thức xử phạt vốn quen thuộc ở các nước Đông Nam Á. Thay vào đó, người dân sẽ có một ứng dụng trên điện thoại với chức năng như là bằng lái điện tử. Khi được cảnh sát yêu cầu, họ chỉ việc mở ứng dụng này lên để cảnh sát kiểm tra. Ứng dụng này cũng hiển thị điểm phạt của họ.
Mỗi người sở hữu bằng lái xe sẽ có sẵn một số điểm nhất định, quỹ điểm sẽ bị trừ ở mỗi lần họ vi phạm. Khi quỹ điểm bị trừ hết, người vi phạm sẽ bị đình chỉ lái xe 3 tháng. Loại hình trừ điểm giấy phép lái xe đã được áp dụng từ lâu ở các nước trên thế giới như khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Australia... Còn tại châu Á, Nhật Bản là nước đầu tiên áp dụng loại hình này thay cho việc giữ lại giấy phép lái xe của người vi phạm.