IPEF sẽ là “đòn bẩy” cho thương mại

(ĐTTCO) - Khi được hiện thực hóa, IPEF sẽ là cơ hội tốt để các thành viên khẳng định vai trò quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với khung khổ được đánh giá “bình đẳng” và “chuẩn mực” hơn. Tuy nhiên, lưu ý IPEF chỉ là “đòn bẩy” cho thương mại trong khối, chứ không phải thỏa thuận thương mại như CPTPP hay FTA.

Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Mỹ đang nỗ lực đốc thúc
Hôm 6-6, phát biểu tại sự kiện do Hiệp hội Thương mại Washington tổ chức, đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cho biết vào mùa hè năm nay các quốc gia tham gia có thể tiến hành cuộc họp chính thức và tiến hành thảo luận các trụ cột của IPEF.
Bà Katherine Tai nêu rõ, để có thể trở thành thành viên của IPEF, mỗi quốc gia cần tham gia đầy đủ ít nhất 1 trong 4 trụ cột của sáng kiến này. Do vậy, trong vài tuần tới, các nước tham gia sẽ thảo luận sâu hơn, làm rõ các nội hàm của IPEF, đưa ra chi tiết về tầm nhìn.
Như vậy, sau nửa tháng kể từ khi công bố sáng kiến thành lập IPEF (23-5), Mỹ đang nỗ lực đốc thúc các nước đã được mời tham gia sáng kiến sớm ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về từng vấn đề cụ thể. Đây cũng được xem là động thái Washington muốn xóa tan những hoài nghi của dư luận (thậm chí của các nước được mời tham gia) về sự ổn định của sáng kiến IPEF.
Tuy nhiên, những lo ngại về một sáng kiến “hữu danh vô thực” không phải không có cơ sở. Bởi hơn ai hết, các quốc gia châu Á - những đối tác thương mại của Mỹ hiểu rõ nhất điều này từ “bài học” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một sáng kiến được cựu Tổng thống Barack Obama đưa ra. Nhưng tổng thống kế nhiệm là ông Donald Trump đã không ngần ngại “xé bỏ thỏa thuận” và rút ra khỏi TPP.
Thậm chí, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ TPP. Nguyên nhân (và cũng là rào cản) lớn nhất khi đó khiến Mỹ không thể tham gia TPP, là làn sóng phản đối từ dư luận trong nước về lo ngại “thiếu bình đẳng thương mại” và khiến “người Mỹ chịu thiệt”.
So với TPP, sáng kiến IPEF của Tổng thống Joe Biden công bố lần này được cho đã có sự “rút kinh nghiệm” từ bài học của người tiền nhiệm. Đó là IPEF không phải là hiệp định về các thỏa thuận thương mại.
Theo David Dapice, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Việt Nam của Ash Center (thuộc Trường Harvard Kennedy School), cho đến nay IPEF không đưa ra bất kỳ thông tin hay cam kết cụ thể nào về thuế xuất nhập khẩu giữa Mỹ với các thành viên khác. Thay vào đó, IPEF chỉ đóng vai trò “đòn bẩy” cho thương mại trong khối. 
Cũng theo David Dapice, IPEF không thể là cơ sở tiền đề dẫn tới hiệp định tự do thương mại (FTA), bởi 7 trong số 13 nước tham gia IPEF đều là thành viên ASEAN. Trong khi đó, xét về thương mại hiện nay Mỹ vẫn ở trong thế nhập siêu so với các đối tác này. Do vậy, chính quyền Tổng thống Biden sẽ không vội mở cửa thêm thị trường Mỹ cho các đối tác Đông Nam Á (cũng để tránh vấp phải làn sóng chỉ trích từ dư luận trong nước).

Động lực phát triển kinh tế số
Trong 4 trụ cột của IPEF (kinh tế số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng) trụ cột kinh tế số được quan tâm nhất. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để IPEF bổ sung cho các thỏa thuận có nội hàm kinh tế số khác trong khu vực như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) chưa đề cập.
Đó có thể là hợp tác về củng cố an ninh mạng hay nâng cao năng lực đào tạo ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), đều là những nội dung Việt Nam đang quan tâm nhất.
Hiện Việt Nam đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế số. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được trình Chính phủ và được trình Quốc hội để đưa vào kế hoạch năm 2023.
Ở ngắn hạn, Việt Nam đang nỗ lực hướng đến mục tiêu vào năm 2025 công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang “make in Vietnam” đạt trên 45%; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bằng 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp, trong đó ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. 
Còn ở trung hạn, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, với những mục tiêu cụ thể như kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về đổi mới sáng tạo (GII), cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số là điều Việt Nam đang hướng tới. Việt Nam cũng cần đến công nghệ và sáng tạo, nên cũng cần những hành lang pháp lý để bảo đảm công nghệ tin cậy, chất lượng cao, bền vững.
Tham gia IPEF là cơ hội để Việt Nam tham gia nhiều tầng nấc liên kết, hợp tác kinh tế khu vực và trên thế giới, cùng bổ sung cho nhau tạo động lực phát triển. Khuôn khổ IPEF cũng định hướng cho phát triển và hợp tác kinh tế với nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, cũng là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tương lai, mang tính bền vững và đảm bảo cạnh tranh. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Thêm vào đó, phát triển kinh tế số cũng là cơ hội duy nhất để Việt Nam vượt thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. 
 Các quốc gia tham gia sáng kiến IPEF sẽ mất khoảng thời gian 12-18 tháng để đàm phán, thỏa thuận trước khi biến sáng kiến thành hiện thực. Dư luận kỳ vọng IPEF sẽ giúp định hình khung khổ luật chơi mới trong khu vực, trong đó yếu tố “bình đẳng” và “chuẩn mực” được đưa lên hàng đầu, và Mỹ sẽ không để lặp lại “vết xe đổ” TPP.

Các tin khác