Iran mở cửa, ngành nào “hot”?

(ĐTTCO) - Chỉ qua vài ngày kể từ lúc Liên hiệp quốc (LHQ) dỡ bỏ cấm vận Iran, nhưng một số công ty đã công bố những kế hoạch đầu tư vào thị trường còn “bí ẩn” này.

(ĐTTCO) - Chỉ qua vài ngày kể từ lúc Liên hiệp quốc (LHQ) dỡ bỏ cấm vận Iran, nhưng một số công ty đã công bố những kế hoạch đầu tư vào thị trường còn “bí ẩn” này.

Một số công ty đã bỏ hàng tháng trời để vạch kế hoạch quay lại đất nước giàu tài nguyên, dân số học thức cao và nhiều cảnh đẹp. Các công ty từ Á sang Âu sẽ đổ xô vào trước, còn các công ty Hoa Kỳ sẽ khó hơn khi vào thị trường này. Sẽ có những thách thức đối với những người đi tiên phong. Tham nhũng là một vấn đề lớn, trong khi luật thương mại và lao động đã lỗi thời và bất kỳ vấn đề pháp lý nào cũng có thể kết thúc ở tòa án Iran, vốn nổi tiếng rất chậm chạp. Nhưng tiềm năng tăng trưởng và lợi nhuận sẽ khó có thể cưỡng lại. Hãng BBC chỉ ra một số lĩnh vực sẽ rất hấp dẫn ở Iran sau khi mở cửa:

Du lịch, ô tô, hàng không

Hồi tháng 10, Phó Tổng thống Iran nói với hãng tin AP rằng ông mong đợi một “cơn sóng thần” khách du lịch một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Với những điểm du lịch nổi tiếng như thành phố Persepolis, Shiraz và Isfahan, Iran rõ ràng rất giàu tiềm năng. Năm 2014, nước này đón hơn 5 triệu khách du lịch, mang lại 7,5 tỷ USD doanh thu, nhưng Iran đặt mục tiêu thu hút 20 triệu khách du lịch vào năm 2025, tạo ra 30 tỷ USD/năm.

Daimler Trucks đã công bố những kế hoạch khởi động lại việc bán hàng và sản xuất tại chỗ. Cùng với đối tác Iran Khodro, công ty sẽ sản xuất động cơ và các bộ phận khác. Daimler nói Iran có nhu cầu rất lớn về xe thương mại, đặc biệt là xe tải. Iran là thị trường lớn thứ hai của Peugeot-Citroen trước khi hãng buộc phải rời nước này vào năm 2012. Vào thời đỉnh điểm, công ty bán tới 450.000 xe/năm tại Iran. Các nhà sản xuất linh kiện ô tô cũng không bỏ qua cơ hội. Được biết nhà sản xuất xăm lốp Continental đang dòm ngó thị trường này. Các nhà phân tích nói Tehran muốn các công ty nước ngoài chuyển giao kỹ thuật và tái đầu tư lợi nhuận ở ngay nước họ. Điều này sẽ là mối lo cho công ty nào muốn giữ tài sản trí tuệ và muốn hồi hương tất cả lợi nhuận.

Airbus đã giành được một đơn đặt hàng 114 máy bay của hãng hàng không nhà nước Iran Air. Đây có thể là đơn hàng đầu tiên trong nhiều đơn đặt hàng mới. Báo chí Iran cho biết nước này có thể cần gần 600 máy bay trong thập niên tới.

Dầu khí, khai khoáng

Với trữ lượng dầu lớn thứ tư thế giới, Iran là “kho báu ẩn giấu” cho các công ty dầu. Total (Pháp) cho biết họ đang “háo hức” được quay lại Iran, nơi hãng đã có lịch sử hoạt động lâu dài. Iran không chỉ có rất nhiều dầu, mà các mỏ ở đó cũng rất dễ khai thác với chi phí rẻ, điều này rất quan trọng trong bối cảnh giá dầu đang trong quá trình lao dốc kể từ tháng 6-2014. Chính phủ Iran cũng đang nỗ lực cải thiện mô hình đầu tư cho các công ty nước ngoài, theo Manouchehr Takin, một nhà tư vấn dầu và năng lượng. Ông nói rằng khoảng cuối tháng 2, chính phủ Iran sẽ công bố đầy đủ chi tiết về điều này tại một hội nghị ở London.

Iran dự báo sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch khi cấm vận được dỡ bỏ.

Iran dự báo sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch khi cấm vận được dỡ bỏ.

South Pars là mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, và một phần lớn mỏ này nằm trong vùng biển của Iran. Giống như kinh doanh dầu ở Iran, gas sẽ cần rất nhiều đầu tư. Nhưng gas hơi khác với dầu, vì khó khăn hơn trong việc xuất khẩu. Iran sẽ phải quyết định xem có nên khởi động lại kế hoạch phát triển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hay không, mà đi kèm là những kế hoạch xây đường ống để xuất khẩu. Iran đã có hợp đồng với Shell, Repsol và Total để xây dựng 3 nhà máy LNG, nhưng các dự án bị bỏ dở. Trước cấm vận, có những kế hoạch xây đường ống tới châu Âu, Ấn Độ, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tất cả đều chưa hoàn tất.

Iran cũng có trữ lượng lớn kẽm, đồng, quặng sắt, bạc và mangan. Dù giá hàng hóa đã giảm, nhưng các công ty quốc tế cũng đang xem xét việc đầu tư vào các lĩnh vực này. Công ty nhôm Ấn Độ Nalco đang xem xét đầu tư 2 tỷ USD để xây một nhà máy luyện nhôm ở Iran.

(Theo BBC)

Các tin khác