Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 26/5 tuyên bố cấm đào Bitcoin và các loại tiền ảo khác, sau khi giới chức nước này cho rằng đào tiền ảo – hoạt động cực kỳ ngốn điện – là một thủ phạm gây ra tình trạng cúp điện liên miên ở một số thành phố Iran.
Lệnh cấm trên có hiệu lực ngay lập tức và sẽ duy trì cho tới ngày 22/9, ông Rouhani nói trên sóng truyền hình quốc gia.
Động thái của Tehran là trở ngại mới nhất mà tiền ảo gặp phải từ phía các cơ quan chức năng.
Gần đây, nhà chức trách cả Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra các tuyên bố tăng cường giám sát đối với lĩnh vực tiền ảo. Trong đó, Trung Quốc cấm hoàn toàn hoạt động đào và giao dịch tiền ảo. Vùng Nội Mông của nước này đã ra quy định xử phạt nghiêm ngặt đối với các công ty còn dính líu đến đào tiền ảo. Trước đó, vào tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ cấm hoàn toàn việc sử dụng tiền ảo và các tài sản số, vì lý do rủi ro mà những tài sản này đặt ra cho hệ thống tài chính.
Thủ đô Tehran của Iran và một số thành phố lớn của nước này đã nhiều lần bị mất điện trong những tháng gần đây. Nhà chức trách cho rằng có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cúp điện, bao gồm khan hiếm nguồn cung khí đốt, hạn hán kéo dài khiến mực nước tại các hồ thuỷ điện xuống thấp, và hoạt động đào Bitcoin gia tăng.
Chính phủ Iran nói rằng phần lớn tiêu thụ điện năng của hoạt động đào Bitcoin ở nước này là của các mỏ bất hợp pháp, hoạt động không có giấy phép của Chính phủ. Cơ quan chức năng đã tiến hành một đợt truy quét toàn quốc đối với các mỏ Bitcoin hoạt động không phép, đồng thời cắt điện tạm thời đối với các mỏ Bitcoin có giấy phép nhằm tiết kiệm điện.
Nhu cầu tiêu thụ điện ở Iran đang tăng mạnh trong do người dân phải ở nhà trong đợt giãn cách xã hội để chống sự lây lan của Covid-19. Nhiệt độ ở Iran đang tăng nhanh do bước vào mùa hè, khiến mức tiêu thụ điện trong những tuần gần đây tăng cao đến nỗi một số cơ sở y tế không có đủ điện để duy trì vận hành kho lạnh chứa vaccine Covid.
Hồi tháng 1, cảnh sát Iran tịch thu gần 50.000 máy đào Bitcoin sử dụng bất hợp pháp nguồn điện được trợ giá. Chính phủ Iran cho biết 85% hoạt động đào Bitcoin ở nước này là bất hợp pháp. Quốc gia 82 triệu dân ở vùng Trung Đông này hiện có 50 mỏ Bitcoin được cấp phép, sử dụng tổng cộng 209 megawatt điện.
Mối lo về mức tiêu thụ điện năng khổng lồ của quy trình tạo ra Bitcoin, cũng như tác hại đối với môi trường của quy trình này, là một nguyên nhân khiến giá Bitcoin sụt mạnh gần đây. Đầu tuần này, có lúc giá Bitcoin giảm dưới 32.000 USD, mất khoảng một nửa so với đỉnh giá mọi thời đại xấp xỉ 65.000 USD thiết lập hồi tháng 4.
Giá Bitcoin hồi về ngưỡng 40.000 USD trong ngày hôm qua (26/5), nhưng lại tuột khỏi mốc này trong sáng nay. Lúc gần 10h sáng theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 37.710 USD, giảm hơn 4% so với cách đó 24 tiếng.
Chính phủ Iran cho phép dùng tiền ảo đào ở nước này để thanh toán hàng hoá nhập khẩu, theo đó tránh được các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ đang áp lên Tehran. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Iran cấm giao dịch tiền ảo đào ở nước ngoài, dù những đồng tiền ảo như vậy có thể tìm thấy trên thị trường “chợ đen” ở Iran – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC.
Theo số liệu từ công ty phân tích blockchian Elliptic, trong tổng số Bitcoin được đào trên toàn cầu 4 tháng đầu năm nay, có 4,5% được đào ở Iran. Tỷ trọng này đưa Iran vào top 10 thị trường đào Bitcoin lớn nhất thế giới - nhóm dẫn đầu là Trung Quốc với tỷ trọng gần 70%.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk gần đây cũng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường từ việc đào Bitcoin. Sau đó, ông cho biết đã có các cuộc thảo luận với các mỏ Bitcoin ở khu vực Bắc Mỹ nhằm tìm ra biện pháp để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với môi trường.