Sau khi Tổng thống Đức Christian Wulff từ chức vì vụ bê bối tiền bạc, đảng cầm quyền CDU và các đảng SPD, FDP, đảng Xanh đã đồng thuận đề cử ông Joachim Gauck (ảnh) lên thay thế.
Vào đầu mùa hè năm 2010, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả và đảng Xanh đã từng đề cử Gauck làm ứng viên tổng thống. Ông Gauck nổi lên như một hiện tượng, thậm chí một số người còn gọi ông là Obama Đức.
Khi đó, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel cùng với đồng minh là đảng Dân chủ Tự do (FDP) càng hậu thuẫn ứng viên Christian Wulff bao nhiêu thì sự đồng cảm của công chúng dành cho ông Gauck - một mục sư Tin lành đến từ Đông Đức - càng tăng bấy nhiêu.
Đến giữa vòng 2 và vòng 3 của cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng liên bang, ông Gauck có lẽ đã bắt đầu nghĩ mình sẽ thành công. Nhưng kết quả cuối cùng sau 3 vòng bỏ phiếu, ông Wulff đã được bầu làm Tổng thống, ông Gauck thua một cách cay đắng.
Trong thất bại, ông Gauck vẫn nhìn thấy triển vọng và ông không bỏ cuộc. Người ta thấy ông xuất hiện tại buổi tiệc chúc mừng vợ chồng tân Tổng thống Wulff. Tiếp đó, ông Gauck làm cuộc hành trình xuyên nước Đức, diễn thuyết về những nỗ lực của ông hướng tới tự do, dân chủ và nhắc nhở người dân Đức cần tăng cường trách nhiệm đối với đất nước.
![]() |
Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Merkel và ông Gauck có nhiều điểm chung: đều xuất thân từ Đông Đức, bản thân bà Merkel là con gái mục sư, bà biết Gauck và cả hai đều kính trọng nhau.
Vậy tại sao bà Merkel không muốn Gauck trở thành tổng thống? Câu trả lời không nằm ngoài 2 từ chính trị - đảng phái. Sau khi nước Đức thống nhất, ông Gauck làm trưởng cơ quan quản lý hồ sơ của Stasi (cơ quan tình báo mật vụ của CHDC Đức trước đây).
Có thể nói nhiệm vụ điều tra các sai phạm của Stasi là một công đôi việc đối với Gauck, bởi khi Gauck còn nhỏ, cha ông từng bị Stasi bắt giam. Công việc này được Gauck đảm nhiệm suốt 10 năm, đã mang lại cho ông biệt danh “Kẻ săn Stasi”.
Tuy nhiên, Gauck dường như không màng tới thế giới của các chính khách. Đây cũng là một trong những lý do giúp ông nổi tiếng ở Đức. Khi Gauck nói về dân chủ, ông có vẻ thật cao quý chứ không “bốc mùi” thực dụng như các vị lãnh đạo đảng phái khác.
Bà Merkel biết Gauck có tầm ảnh hưởng lớn nhưng cũng e ngại Gauck có thể trở thành cái gai nhọn, điều này đã giải thích tại sao bà Merkel nhiều năm liền cố gắng kháng cự ý tưởng bầu Gauck làm Tổng thống.
Nhưng sau vụ bê bối của ông Wulff, bà Merkel đã thừa nhận vai trò của Gauck, ca ngợi ông là một giảng sư chân chính cho nền dân chủ và có thể tạo ra một động lực quan trọng cho sự đổi mới. Sau khi Tổng thống Wulff từ chức, ông Gauck được đề cử lên làm tổng thống mới của Đức.
Dự kiến, trễ nhất ngày 18-3 sẽ có kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới của nước Đức. Tờ Spiegel bình luận nếu Gauck trở thành chủ mới của Điện Bellevue (Văn phòng Tổng thống Đức), có lẽ nhà du thuyết sẽ phải đối mặt thách thức lớn nhất là giữ vững bản sắc trong khi dè chừng đảng CDU đôi lúc bị chỉ trích phớt lờ người dân khi thực thi các chính sách; đảng FDP có khuynh hướng thiên về giới doanh thương; đảng SPD hay khoa trương chuyện “đánh” giới chủ nhà băng giàu sụ; hoặc đảng Xanh hơi tự mãn.
Một số nhà phân tích cho rằng Gauck đã kinh qua nhiều giông tố nên ông sẽ không dễ nhượng bộ như cựu Tổng thống Horst Kohler và cũng sẽ không dính líu vào những vụ bê bối tiền bạc như ông Christian Wulff. Ở tuổi cổ lai hy, ông Gauck đã đủ trải đời để ngỏ lời nhún nhường xin công chúng tha thứ nếu lỡ có sai sót khi làm tổng thống, bởi ông không phải “siêu nhân hay người hoàn hảo”.