KCN hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

Gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã hợp tác với đối tác Việt Nam để phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN).

Cụ thể, Tập đoàn Jesco Holding (Nhật Bản), chuyên hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và đầu tư xây dựng hạ tầng, đã tham gia góp vốn tại CTCP Đầu tư-xây dựng hạ tầng Hòa Bình (HBI) - chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN Long Hậu 4 tại tỉnh Long An.

Theo ông Thân Trọng Đức, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị KCN Long Hậu 4, Jesco sẽ hỗ trợ việc tư vấn thiết kế KCN và giúp khai thác thị trường nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện 96% diện tích đất tại KCN này đã được đền bù và giải tỏa, nhưng mới chỉ có 3 DN trong nước đăng ký thuê trong lĩnh vực kho bãi, công nghệ sinh học và năng lượng.

HBI hy vọng với sự tiếp sức của Jesco Holding trong 5 năm tới sẽ lấp đầy toàn bộ diện tích đất cho thuê tại KCN này. Vừa qua, Tập đoàn ngân hàng Mizuho đã hợp tác với KCN Hiệp Phước phát triển giai đoạn 2. Dự kiến KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 có tổng diện tích 597ha sẽ thu hút các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ cảng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, Công ty TNHH đầu tư Long Đức - liên doanh giữa Tập đoàn Sojitz và Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) - đã động thổ xây dựng hạ tầng KCN Long Đức (Long Thành - Đồng Nai), với diện tích 282,8ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.083 tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 8-2013.

Ông Atsushi Uehara, Giám đốc KCN Long Đức, cho biết dự kiến tháng 4-2012, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư lớn vào KCN Long Đức là Lixil và Belmon (tổng diện tích đất thuê khoảng 60ha) tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở Osaka và Tokyo tới.

“Hiện đã có một số nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn đầu tư, xây dựng nhà xưởng tại KCN với diện tích thuê khoảng 40ha. Các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư của KCN Long Đức bao gồm cơ khí, điện, điện tử, vật liệu cao cấp, dược phẩm, thiết bị trường học, văn phòng phẩm... và đặc biệt ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ của các nhà đầu tư Nhật Bản” - ông  Atsushi Uehara cho biết thêm.

Lý giải xu hướng đầu tư này của các DN Nhật Bản, ông Hida Harumitsu, Tổng lãnh sự Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia trên phương diện hợp tác cấp chính phủ và dân sự ngày càng trở nên mật thiết.

“Mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế thế giới, số lượng hội viên Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM tiếp tục gia tăng, đạt khoảng 560 công ty, chứng tỏ mối quan hệ giao lưu kinh tế giữa 2 nước tiếp tục phát triển” - ông Hida Harumitsu nói.

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM, cho biết các DN nhỏ và vừa Nhật Bản đang có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài do đồng yen liên tục tăng giá so với 2 ngoại tệ chủ chốt USD và EUR, khiến chi phí sản xuất hàng hóa trong nước tăng cao, lợi nhuận giảm. Trong khi đó, việc đồng yen mạnh giúp DN Nhật Bản giảm bớt chi đầu tư ở nước ngoài.

Các tin khác