Kênh Bán lẻ hiện đại: Cầu nối hàng Việt, người Việt

Dù các chương trình đưa hàng Việt đến người Việt đã được triển khai tích cực và đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Song, cho đến nay các nhà sản xuất vẫn chưa đưa ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, nên các hệ thống bán lẻ hiện đại còn gặp khó trong việc trở thành cầu nối đưa hàng Việt đến người Việt.

Dù các chương trình đưa hàng Việt đến người Việt đã được triển khai tích cực và đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Song, cho đến nay các nhà sản xuất vẫn chưa đưa ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, nên các hệ thống bán lẻ hiện đại còn gặp khó trong việc trở thành cầu nối đưa hàng Việt đến người Việt.

Còn hạn chế

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay hệ thống bán lẻ hiện đại đã góp phần không nhỏ vào việc giúp người Việt tin dùng hàng Việt. Sau 3 năm cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đi vào thực hiện, người tiêu dùng đã thay đổi quan niệm từ sính hàng ngoại và e ngại hàng Việt sang tin dùng hàng Việt.

Cụ thể, nếu trước đây, 77% người tiêu dùng được hỏi ưa thích dùng hàng nước ngoài thì hiện nay 71% người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng Việt Nam.

Thành công này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống bán lẻ hiện đại. Hiện tỷ trọng hàng Việt chiếm khá cao trong kênh phân phối này với từ 70-90%. Tuy nhiên, theo thống kê chung của Bộ Công Thương, hiện tỷ lệ hàng Việt được bán qua hệ thống bán lẻ hiện đại chỉ tương đương 20-30% so với các chợ truyền thống.

Chọn mua bánh thương hiệu Việt tại Co.opmart Cống Quỳnh, TPHCM. Ảnh: C.THĂNG

Chọn mua bánh thương hiệu Việt tại Co.opmart Cống Quỳnh, TPHCM. Ảnh: C.THĂNG 

Vấn đề này xuất phát từ việc các nhà sản xuất chưa tận dụng hết các hệ thống phân phối của kênh bán lẻ hiện đại. Khi nhắc đến kênh bán lẻ hiện đại, đa số người tiêu dùng chỉ mới nghĩ đến siêu thị. Khi muốn mua hàng Việt, người tiêu dùng cũng sẽ nghĩ ngay đến chợ hoặc siêu thị. Còn các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng không thu hút được sự chú ý vì ít có bóng dáng của hàng Việt.

Trong khi đó, nếu DN tổ chức đưa hàng vào các kênh này vừa có thể đa dạng kênh phân phối, vừa giúp tất cả các đối tượng tiêu dùng đều được tiếp cận với hàng Việt. Hơn nữa, đánh giá trên mặt bằng chung, hiện nay hàng Việt được đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại cũng chưa đồng đều ở từng nhà bán lẻ và chưa đồng đều ở mỗi ngành hàng. Cụ thể, một số ngành hàng tiêu dùng đang có tỷ trọng thấp, cao nhất chỉ chiếm khoảng 60% và thậm chí có nơi còn chưa tới 40%.

Bởi vì hàng Việt Nam được đưa ra thị trường vẫn còn mang tính đơn điệu, bao bì, mẫu mã chưa thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm cũng còn một số hạn chế nhất định. Trong khi đó, yêu cầu về hàng hóa đối với kênh bán lẻ hiện đại buộc phải đảm bảo chất lượng tốt và phải luôn thay đổi để phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Thêm vào đó, sản phẩm phải trải qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên giá cả không có tính cạnh tranh.

Khó khăn trong việc phát triển kênh bán lẻ hiện đại còn do chi phí gia nhập loại hình này cao, quy mô vốn thấp, mặt bằng thiếu, các dịch vụ hỗ trợ kém, chủng loại hàng Việt chưa phong phú, mẫu mã chưa đẹp, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, bán hàng chưa chuyên nghiệp... Điều này đang là lực cản phát triển kênh bán lẻ hiện đại thời gian tới và cho mục tiêu chiếm 40% tổng thị trường bán lẻ vào năm 2020.

Cải tiến để phát triển

Đến nay, dù thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20-30% nhưng đã thay đổi diện mạo thị trường bán lẻ Việt Nam. Hàng loạt hệ thống siêu thị của nước ngoài và trong nước như Hapro, Saigon Co.op Mart, Intimex, Fivimart, Metro, Big C, Nguyễn Kim, Trần Anh... đã trở thành những kênh quảng bá hữu hiệu cho hàng Việt. Nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, sữa, bia, may mặc, đồ uống... tại nhiều siêu thị, hàng Việt gần như chiếm tuyệt đối.

Các chương trình kích cầu, khuyến mại của các DN đã nâng vị thế hàng Việt, có vai trò quan trọng của các nhà bán lẻ, cộng đồng DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay độ tuổi người dân Việt Nam dưới 30 tuổi chiếm khoảng 60%, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, doanh số tiêu dùng hàng cao cấp có xu hướng tăng. Điều này khiến xu hướng người tiêu dùng lựa chọn loại hình bán lẻ hiện đại và sẽ là cơ hội cho loại hình bán lẻ này phát triển trong tương lại.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có rất nhiều kênh thông tin cũng như kênh mua sắm khác nhau, nên càng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Cùng với sự mở cửa giao dịch với các nước, người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn khi mua sắm vì có cơ hội tiếp cận với nhiều nhãn hàng trong và ngoài nước với giá cả, chất lượng khác nhau.

Do đó, bài toán đặt ra là các kênh phân phối nội địa phải phát huy vai trò, tạo ra sự an tâm, tin tưởng cho khách hàng để thúc đẩy phát triển hàng Việt. Trong sự nỗ lực đó, các nhà sản xuất cần phải chú trọng đến chất lượng để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút người tiêu dùng. Một vấn đề khác là khi đến các trung tâm thương mại, hầu như không khách hàng nào nghĩ vào để mua hàng Việt trong khi một bộ phận người tiêu dùng đang chi tiêu khá cao để mua sắm trong kênh bán lẻ này.

Do đó, nhà sản xuất nên nghiên cứu sản xuất nhiều dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu từ phân khúc thu nhập thấp đến thu nhập cao dựa trên xu thế mua sắm của người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần cập nhật và đầu tư công nghệ mới để có những sản phẩm có tính năng vượt trội, đón đầu xu thế tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Các tin khác