Trao đổi với ĐTTC, bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lâm Đồng dự báo: Du lịch thể thao đang là xu hướng toàn cầu nên dư địa phát triển còn rất nhiều. Ở Việt Nam, nếu có định hướng phát triển đúng đắn, du lịch thể thao sẽ không chỉ dừng lại ở việc người dân địa phương vừa tham gia giải chạy vừa khám phá du lịch, mà nên hướng đến việc đón những khách quốc tế đến Việt Nam tham gia chạy bộ, và cả người Việt ra nước ngoài để thi đấu ở môn chạy này.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo bà chúng ta nên làm những gì để duy trì và phát triển loại hình du lịch này trong thời gian tới?
Bà NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: - Một trong những việc đầu tiên chúng ta nên làm là phải lượng hóa được càng chi tiết càng tốt các số liệu của du lịch thể thao. Chẳng hạn, thống kê tại một số nước trên thế giới, 1 người tham gia 1 giải chạy bộ sẽ đi cùng với 2,7 người thân, số liệu này rất quan trọng vì tác động trực tiếp đến các dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận tải.
Tôi nghĩ các giải chạy bộ hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện những khảo sát nhanh để có số liệu như vậy, và phối hợp cùng với cơ quan quản lý để có thêm các thông số hoàn chỉnh. Như giải VnExpress Marathon Imperial Huế 2023 mới diễn ra hồi tháng 4, cũng đã công bố thu hút được 32.000 lượt du khách, doanh thu du lịch ước tính 55,5 tỷ đồng, thu hút 12.000 lượt VĐV tham quan miễn phí các điểm di tích cố đô Huế.
Tháng 6 tới, tại TP Đà Lạt có giải chạy Dalat Music Run 2023, dự kiến có hơn 4.000 runners tham gia và chúng tôi cũng công bố những thông số chi tiết. Chẳng hạn, một địa phương có các sự kiện du lịch thể thao thu hút đông người tham dự, chắc chắn sẽ có lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư, các sự kiện thể thao khác. Ngược lại, với các nhà tổ chức, số liệu công bố tích cực chứng tỏ năng lực tổ chức tốt, và tất nhiên sẽ có cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động chương trình.
- Vậy ngoài vấn đề số liệu, theo bà các địa phương cần chuẩn bị những gì để tận dụng tối đa lợi thế từ du lịch thể thao?
- Tại Trung Quốc hiện nay mỗi năm có 1.000 giải chạy, tức là mỗi ngày có khoảng 3 giải. Những số liệu này chỉ ra rằng “sức cầu” của du lịch thể thao cả trong và ngoài nước rất lớn. Như vậy trong ngắn hạn chúng ta sẽ không phải quá lo về việc “kích cầu”, mà sẽ nằm ở năng lực tổ chức, chiến lược phù hợp để phát triển loại hình này.
Qua thông tin tôi được biết, hiện nay nhiều giải chạy tại các địa phương có các lãnh đạo sâu sát chỉ đạo, và toàn bộ hệ thống chính quyền, các sở ban ngành, tham gia hưởng ứng. Tôi nghĩ đây là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Chẳng hạn, giải Vô địch quốc gia Marathon và Cự ly dài báo Tiền Phong 2023 khi tổ chức tại Lai Châu, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ông Trần Tiến Dũng tham gia chạy cự ly 10km, một cự ly phải có tập luyện mới có thể tham gia với thời gian hoàn thành rất tốt.
Bản thân tôi trong những năm gần đây, mỗi năm cũng đều tham gia một số giải chạy địa hình (trail) hoặc chạy đường bằng (road) với cự ly từ 10-21km. Nếu những người lãnh đạo yêu thích thể thao, đó là lợi thế rất lớn cho địa phương.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần xác định rõ lợi thế của mình với du lịch thể thao, từ đó có chiến lược để phát huy. Chẳng hạn, địa hình tại Lâm Đồng với rừng, đồi, núi, nhiều cảnh đẹp rất thích hợp cho chạy trail, nên hiện nay những giải chạy trail với quy mô lớn bậc nhất đều đã và đang được tổ chức tại Lâm Đồng. Phát triển du lịch thể thao cũng đã được tỉnh Lâm Đồng xác định là mục tiêu chiến lược, nên hệ thống chính quyền căn cứ vào đây để có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với chiến lược chung của tỉnh.
- Bà đánh giá các giải chạy hiện nay như thế nào, và các nhà tổ chức nên làm gì để có thể chung tay cùng địa phương phát triển du lịch thể thao?
- Có thể nói năng lực tổ chức của các công ty sự kiện đã và đang được cải thiện rất nhanh, và theo thời gian sẽ tiến đến phân hóa và tách tốp, đây là xu hướng cạnh tranh để phát triển. Nhưng cuộc cạnh tranh ở đây sẽ không diễn ra theo kiểu một mất một còn, vì dư địa còn rất lớn, phong trào vẫn đang phát triển, do đó càng nhiều đơn vị làm tốt, cộng đồng chạy bộ sẽ càng thu hút đông đảo người tham gia các giải chạy và các bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo nhận định của tôi, nếu muốn tiếp tục khẳng định tên tuổi cũng như thu hút đông đảo runners tham gia, các giải chạy sẽ phải đạt được các tiêu chí sau. Thứ nhất, vấn đề an toàn, đảm bảo sức khỏe cho runners luôn phải đặt lên hàng đầu. Bởi những sự cố của các giải chạy là điều rất khó tránh, nhưng năng lực xử lý, ứng phó như thế nào sẽ do các nhà tổ chức quyết định, từ chuyện đảm bảo an toàn cho đường chạy, cho sức khỏe VĐV, cho đến dự báo các rủi ro có thể xuất hiện để phòng ngừa… Do đó, khi một đơn vị tổ chức muốn đến địa phương đăng ký tổ chức giải phải có kế hoạch vô cùng chi tiết về vấn đề này.
Thứ hai, công tác truyền thông. Một giải chạy diễn ra ngoài lợi ích về sức khỏe cho cộng đồng, còn là cơ hội quảng bá về du lịch địa phương, và phải tính đến việc sẽ tiếp tục tổ chức nhiều lần, nên cần những kế hoạch truyền thông dài hạn. Thực tế có những giải chạy có khi khách du lịch còn nắm rõ hơn cả… người địa phương. Tôi cho đây là sự lãng phí đáng tiếc, vì một sự kiện văn hóa thể thao muốn có hiệu ứng lan tỏa phải cộng hưởng được sự ủng hộ của cả du khách và người dân bản địa.
Thứ ba, theo dự báo của tôi, các giải chạy sẽ không chỉ có hoạt động chạy đơn thuần, mà về tương lai có thể sẽ kết hợp với các sự kiện khác như âm nhạc, các hoạt động xã hội. Dư địa rất rộng lớn, do đó giải chạy nào có thể khơi dậy được tinh thần thể thao, vừa tạo ra những trải nghiệm về âm nhạc, và các hoạt động thiện nguyện tôi nghĩ sẽ phát huy được tối đa các giá trị của cộng đồng.
- Xin cảm ơn bà.
Dưới góc độ là cơ quan quản lý, chúng tôi hoan nghênh tất cả các đơn vị đến với Lâm Đồng tổ chức các giải chạy trail hay chạy road có chất lượng cao, và luôn hỗ trợ, tạo cơ hội, tư vấn để sự kiện diễn ra thuận lợi. Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã chờ đợi và đón đến VĐV cuối cùng về đích để kết thúc giải chạy được thành công tốt đẹp.