Để giải quyết vấn nạn khủng hoảng đô thị, cùng với việc chỉnh trang đô thị, TPHCM cần phát triển các đô thị vệ tinh, tăng cường khả năng kết nối giao thông, góp phần làm giảm áp lực khu vực nội thành.
Khó giãn dân ở nội thành
![]() |
Nội thành TPHCM đang bị quá tải trầm trọng, giao thông luôn ùn tắc cục bộ. |
TPHCM với khoảng 8 triệu dân, phương tiện giao thông chủ yếu là xe hai bánh gắn máy, hệ thống đường giao thông nhỏ hẹp, vì vậy khu vực nội thành đang quá tải trầm trọng, giao thông luôn ùn tắc cục bộ. Có thể nói chủ trương giảm dân tại khu vực các quận nội thành xuống dưới 3,5 triệu người đã hoàn toàn bị phá sản.
Việc cấp phép xây dựng thêm nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và thu hút đầu tư vào các khu vực nội thành đã làm tăng dân số cơ học. Tái cấu trúc để giảm dân số ở các quận nội thành là công việc hết sức khó khăn.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa (Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM), phân tích: “Thực tế cho thấy kế hoạch phát triển khu dân cư mới để giãn dân ra ngoại thành khó thành công, vì nhiều người mua đất ở ngoại thành nhưng vẫn giữ nhà trong nội thành; trường hợp người bán nhà chuyển gia đình ra ở ngoại thành, người mua nhà lập tức đưa gia đình vào thế chỗ, thế nên dân số không giảm.
Việc chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành cũng ít góp phần làm giảm dân số, vì chỉ những người lao động nhập cư chấp nhận di chuyển ra ngoại thành, còn những người dân sở tại vẫn không muốn chuyển nhà theo nhà máy, chấp nhận sáng đi, chiều về vượt quãng đường rất xa và mất thêm nhiều thời gian di chuyển. như vậy lại càng làm tăng ách tắc giao thông”.
Phát triển đô thị vệ tinh
![]() ![]() | |
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng |
Do vậy, cùng với việc phát triển mạng lưới giao thông, giải pháp tối ưu đối với TPHCM hiện nay là phát triển các đô thị vệ tinh để giãn dân. Đến nay, TPHCM đã xây dựng 15 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất. Một số KCN đã thành cơ sở cho việc hình thành các trung tâm đô thị của khu vực như: Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu Công nghệ cao (quận 9), KCN Tân Kiên - Tân Tạo (huyện Bình Chánh) và khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi.
Các trung tâm cấp khu vực có vị trí cách trung tâm TP khoảng 10km, sẽ được đầu tư phát triển các chức năng thương mại - dịch vụ. Chẳng hạn khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi đảm nhận đầy đủ các chức năng đô thị như khu ở, kinh doanh, thương mại, nghiên cứu, giáo dục và sản xuất công nghiệp. Mỗi trung tâm cấp khu vực sẽ phục vụ cho khu vực có phạm vi bán kính 5-10km xung quanh.
Song, các khu đô thị mới cần có sự tính toán cân bằng về nhà ở, việc làm và công trình công cộng để tránh giao thông con lắc. Chẳng hạn, xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) trong tương lai sẽ hình thành KCN đô thị cảng, bao gồm các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hậu cần, cảng biển… sẽ thu hút một lượng lớn lao động từ nội thành ra đây làm việc.
Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án KCN Hiệp Phước đã thu hút khoảng 100 nhà máy sản xuất, 8.000 lao động. Sinh hoạt, mua sắm, giải trí đều được giải quyết tại chỗ bởi hệ thống nhà lưu trú, siêu thị, nhà trẻ… nhằm hạn chế tối đa người dân đi vào các quận trung tâm để thỏa mãn nhu cầu.
Kết nối trung tâm mới hài hòa
Ở góc nhìn của nhà nghiên cứu đô thị học, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phân tích: Trong thời gian qua, TPHCM đã hình thành tự phát các vùng đô thị đại học (ĐH). Các trường ĐH công lập trong nội thành với lượng sinh viên ngày càng đông nên phải bung thêm cơ sở. Các trường ĐH dân lập tự tìm mua đất theo các dự án khu dân cư, có trường đang tiến hành xây dựng, có trường chỉ mới xí phần rồi để đó.
Song, đó cũng là cơ sở để hình thành nên 4 khu ĐH: khu Đông Bắc (Thủ Đức, Dĩ An) gồm 8 trường, 2 viện với 650ha; khu Tây Bắc đang hình thành ở khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và Hóc Môn, theo quy hoạch sẽ có 10 trường ĐH và cao đẳng với diện tích 10.000ha; khu Nam Sài Gòn gồm các trường RMIT, ĐH Hồng Bàng, ĐH TDTT… với diện tích hàng trăm ha; khu Tây Nam gồm các trường ĐH Tân Tạo, đô thị ĐH Long An… với diện tích vài trăm ha.
Tuy nhiên, để các đô thị ĐH này tồn tại, cần phải xây dựng mạng lưới giao thông ở vùng ngoại vi kết nối trung tâm với các đô thị ĐH, như đường vành đai, đường xuyên tâm và đường nhánh để rút ngắn thời gian di chuyển bằng xe buýt, ô tô (trên thực tế từ trung tâm TP đến ĐHQG TPHCM chỉ 12km nhưng mất đến 1 tiếng, từ trung tâm TP ra khu đô thị Tây Bắc chỉ 25km nhưng mất 2 tiếng). Với hơn nửa triệu sinh viên dời ra khỏi trung tâm TP khoảng 7-20km, chắc chắn sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông ở nội thành.