Sau 2 năm TPHCM triển khai chương trình kết nối ngân hàng (NH) với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, đến nay đã có hàng chục nghìn tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi đến với các DN, qua đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các NH.
![]() |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về hiệu quả của chương trình kết nối NH-DN (chương trình kết nối) thời gian qua, từ lãnh đạo chính quyền TPHCM, các chuyên gia, lãnh đạo NH và cộng đồng DN đều cho rằng đây là một chương trình thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động của DN, đồng thời tháo gỡ cả khó khăn cho các NH. Đòn bẩy cho DN
"Chương trình kết nối NH và DN hiện đang hỗ trợ vốn cho DN với mức lãi suất rất hợp lý, các khoản vay ngắn hạn hiện chỉ vào khoảng 8%, thậm chí còn thấp hơn. Bên cạnh đó, hồ sơ thủ tục vay được giải quyết rất nhanh, có những khoản vay giải ngân chỉ trong 2-3 giờ. Đây thực sự là một cách tiếp cận vốn hiệu quả, nhất là đối với những DN nhỏ và vừa”, ông Lê Phước Hậu, Phó Giám đốc Công ty Cà phê Petec, một DN chuyên xuất khẩu cà phê, tiêu và nhiều loại nông sản khác, tham gia vay vốn của NH Đông Á, cho biết.
Theo ông Hậu, chương trình còn xóa đi khoảng cách giữa DN lớn và DN nhỏ trong quan hệ với NH. “Trước đây, những DN lớn, có quan hệ lâu năm với các NH thì họ có thể nhận được các khoản vay lớn với thủ tục nhanh chóng, trong khi các DN nhỏ thường rất khó vay, phải có tài sản đảm bảo, khâu xét duyệt lâu và thường là hạn mức rất nhỏ”, ông Hậu chia sẻ thêm.
Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí xây dựng & thương mại Tiên Tiến, ông Nguyễn Văn Tiến, cho rằng, vốn và lãi suất là yếu tố sống còn của DN. Nhờ chương trình kết nối, DN này đã qua được giai đoạn khó khăn.
Trước đây, Công ty Tiên Tiến chỉ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà công nghiệp, nay chuyển sang sản xuất vật liệu nhẹ, nhà di động và nhà đỗ xe cao tầng. Đây đều là những lĩnh vực không thu lợi nhuận cao, trong khi lãi suất lại quá cao thời gian qua đã khiến DN gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có được lượng vốn lớn với lãi suất ưu đãi của Agribank, vay ngắn hạn khoảng 8% và dài hạn cũng chỉ 10%/năm đã giúp Tiên Tiến có lực để tiếp tục mạnh dạn đầu tư cho phát triển sản xuất.
Còn ông Nguyễn Trọng Vinh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thủy đặc sản Seaspimex Việt Nam, cho biết năm 2009, TPHCM có chủ trương chuyển các DN ra xa trung tâm nên Seaspimex đã xây mới nhà máy tại huyện Bình Chánh với công suất gấp 3 lần, vì thế tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ có chương trình kết nối, Agribank đã hỗ trợ tài chính, giúp Seaspimex có một lượng vốn để ổn định sản xuất trong 2 năm qua.
Seaspimex Việt Nam năm nay dự kiến đạt doanh số 700 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu khoảng 25 triệu USD sản phẩm cá ngừ, bạch tuộc đóng lon đi các thị trường như Mỹ, Trung Đông, châu Phi...
“Mỗi tháng, công suất chế biến của DN vào khoảng 500 tấn cá. Đặc thù của thủy sản đánh bắt là mùa vụ, từ tháng 4 đến tháng 10, nên các tháng còn lại DN sản xuất bằng nguồn cá dự trữ, lượng trữ lên đến vài nghìn tấn. Do đó, được vay vốn với lãi suất thấp để thu mua nguyên liệu sẽ giúp sản phẩm của DN có điều kiện cạnh tranh hơn trên thị trường xuất khẩu”, ông Vinh cho biết.
Tác động tương hỗ
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, NH rất tích cực tham gia chương trình kết nối mỗi khi Thành phố phát động, cho biết 6 tháng đầu năm 2014, NH này đã cùng với 9 NH khác ký kết hỗ trợ các DN hơn 718 tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, HDBank còn dành hơn 1.000 tỷ đồng để tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn.
Ông Nam thông tin thêm, thời gian qua, ngoài các DN trong nước, HDBank còn ký kết hỗ trợ vốn ưu đãi cho cả khối các DN FDI, góp phần cùng với chính quyền củng cố, khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Chí Trung, Phó Tổng Giám đốc NH Quốc dân, cả DN và NH đều thu được lợi ích thông qua kết nối, bởi DN được NH tìm hiểu khó khăn thực tế, đưa ra giải pháp để hỗ trợ tốt nhất, và cùng với việc hỗ trợ cho DN thì NH cũng đưa được dòng vốn của mình đến với khách hàng hiệu quả. Dòng vốn sẽ luân chuyển để thúc đẩy DN sản xuất còn NH có thêm lợi nhuận.
Ông Trần Ngọc Hải, quyền Trưởng Văn phòng đại diện Agribank tại TPHCM, cho biết Agribank là một trong số các NH tham gia ngay từ đầu chương trình. Tính đến cuối năm 2013, tổng số vốn Agribank cung ứng thông qua chương trình này đạt hơn 3.100 tỷ đồng, 120 khách hàng được hỗ trợ và chiếm tới 25% tổng vốn của chương trình kết nối. Ngay trong những tháng đầu năm 2014, Agribank đã ký kết với 38 DN và nhiều hộ kinh doanh nhỏ với số vốn hỗ trợ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của các NH đang gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan như hiện nay, chương trình kết nối đã góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng.
Ngoài ra, các buổi ký kết chương trình đều có mặt của lãnh đạo Thành phố, NH Nhà nước, NH thương mại và các DN… là cơ hội cho các bên trao đổi trực tiếp để tháo gỡ nhanh những vướng mắc, khó khăn, giúp tín dụng tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, gia tăng thêm nhiều tiện ích và các dịch vụ NH khác.