Kết nối NH-DN: Cần nhân rộng

Theo TS. Lê Thẩm Dương (Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM), muốn tăng trưởng tín dụng không còn cách nào khác là NH phải liên kết, kết nối với các doanh nghiệp.

Theo TS. Lê Thẩm Dương (Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM), muốn tăng trưởng tín dụng không còn cách nào khác là NH phải liên kết, kết nối với các doanh nghiệp.

Vốn đã đến với nhiều DN nhỏ và vừa

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng không một DN nào có đủ 100% vốn cho kinh doanh. Để giải quyết dòng tiền của mình, các DN cần phải dựa vào nguồn vốn từ NH. Vì vậy, sự gắn kết giữa DN với NH là yêu cầu sống còn trong kinh doanh hiện nay.

“Trong thời gian qua, việc tiếp cận vốn của các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn, do không đủ điều kiện để có thể tiếp cận với nguồn vốn của các NH cả về hạn mức và lãi suất. Trong khi để làm ăn tốt, mỗi DN cần có ít nhất 1 đến 2 NH đứng sau hỗ trợ vốn”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cho biết khi DN có nhu cầu vốn, họ gửi yêu cầu về cho Hiệp hội hay Sở Công Thương, Thành phố có một đầu mối sẽ tập trung lại và gửi về Chi nhánh NH Nhà nước. Sau khi xác minh bước đầu, NH Nhà nước sẽ chuyển thông tin về DN có nhu cầu vay vốn đến các NH thương mại xem xét. Nếu đủ điều kiện thì sẽ thực hiện kết nối và giải ngân ngay.

Theo ông Hưng, chương trình kết nối là cầu nối mới giữa nhu cầu của DN và khả năng của NH. Đặc biệt, cầu nối này có trung gian là NH Nhà nước, chính quyền Thành phố và Hiệp hội DN, nên sự đánh giá sẽ kỹ hơn, hiệu quả cao hơn.

Trao đổi về kết quả sau 2 năm thực hiện chương trình kết nối trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết giai đoạn 2011-2013, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, DN gặp nhiều khó khăn, trong khi lãi suất NH tăng cao. Trước tình hình đó, TPHCM đã chủ động xây dựng chương trình kết nối NH với DN nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất cho DN và cũng giải quyết đầu ra cho các NH thương mại.

Theo bà Hồng, dòng vốn ưu đãi này đã được tập trung chủ yếu cho 5 lĩnh vực ưu tiên và có tới 70% số vốn đến với các DN nhỏ và vừa. Sau khi vay, hầu hết các DN dành cho duy trì và phục hồi sản xuất, đổi mới trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần duy trì mức tăng trưởng cao của Thành phố.

Cần nhân rộng ra nhiều địa phương, lĩnh vực

Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, qua chương trình này, DN được rất nhiều, một nguồn vốn lớn lãi suất thấp đã đến với các DN. Đáng quý hơn là nhiều DN nhỏ và vừa đã vay được vốn để kinh doanh.

Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra là hiện còn nhiều DN nhỏ chưa biết đến chương trình này. Bên cạnh đó, DN nhỏ thường có những vấn đề như không có tài sản thế chấp, không có nhiều khả năng xây dựng được đề án khả thi để vay vốn, hồ sơ, sổ sách thiếu không đầy đủ và rõ ràng nên luôn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Do đó, để cho nhiều DN tiếp cận vốn, nhất là vốn lãi suất ưu đãi, các bên liên quan cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Đối với chính quyền TPHCM, theo bà Hồng, chương trình kết nối sẽ được Thành phố mở rộng. Những khó khăn, vướng mắc của các DN sẽ được Thành phố chỉ đạo Chi nhánh NH Nhà nước Thành phố nghiên cứu tháo gỡ. Mục tiêu là hỗ trợ mạnh hơn nữa cho các DN, nhất là những DN công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ; cho đổi mới công nghệ, phấn đấu tăng doanh số cho vay của các NH trên địa bàn đạt khoảng 20.000 tỷ đồng trong năm nay (tăng 50% so với 2013).

Đánh giá về mô hình kết nối của TPHCM, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết: Vừa rồi nếu ngành NH không làm rốt ráo thì tổng dư nợ còn khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, đây còn là kênh cho vay chất lượng.

Theo ông Lê Thẩm Dương, việc làm theo chuỗi là cách làm của thế giới đã có từ lâu, tuy nhiên, ở Việt Nam còn chưa quen nên cảm thấy mới. Trong bối cảnh hiện nay, cần đồng thời tăng được cả số lượng và chất lượng tín dụng. Để làm được điều này, DN và NH cần phải liên kết, tạo thành chuỗi cung-cầu.

Trên bình diện quốc gia, mở rộng mô hình liên kết này thì không chỉ mở rộng ra các địa phương mà phải mở rộng đến các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, trong xuất nhập khẩu... giúp các ngành sản xuất phát triển và cũng là đẩy tín dụng tăng trưởng.

Trong năm 2013, tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM đều tổ chức chương trình kết nối, có nơi tổ chức được 3 lần trong năm. Chương trình kết nối đã hỗ trợ hơn 650 DN, HTX và hộ kinh doanh cá thể ký kết vay hơn 13.700 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Trong 5 tháng đầu năm 2014, đã có 348 DN được vay hơn 8.420 tỷ đồng. 

Các tin khác