Sẽ chỉ còn 5 nhóm ngành nghề
Hiện nay, TPHCM đang quản lý 22 dự án đầu tư PPP (đã ký kết hợp đồng, đang triển khai), với tổng mức đầu tư là 64.244 tỷ đồng; 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỷ đồng; đang kêu gọi đầu tư 293 dự án theo hình thức PPP trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác, với tổng mức đầu tư dự kiến là 910.426 tỷ đồng.
Hình thức đầu tư PPP đã mang lại nhiều lợi ích cho việc giải quyết nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện ngân sách có hạn mà nhu cầu phát triển hạ tầng của thành phố lại tăng cao. Các công trình, dịch vụ công cộng đã thu hút được vốn đầu tư tư nhân thông qua hình thức đầu tư - chuyển giao (BT) giai đoạn 2015-2017 cũng huy động được 20.338 tỷ đồng, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân như giảm kẹt xe, xây dựng các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục…
Đóng góp của hình thức đầu tư PPP cho hạ tầng thành phố là rất lớn, tuy nhiên, theo quy định của Luật PPP sắp có hiệu lực thì chỉ còn 5 nhóm ngành quan trọng, thiết yếu được kêu gọi đầu tư bên ngoài gồm: liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Theo đó, việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh). Với quy định nhóm ngành hạn hẹp như thế, TPHCM sẽ có thể gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công (hoặc khó khả thi về mặt tài chính).
Chẳng hạn, những dự án chống ngập, cống kiểm soát triều, đê kè, di dời các hộ dân ven kênh rạch, công viên, nghĩa trang… sẽ không kêu gọi được đầu tư. “Nguyên do Luật PPP không còn quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Luật PPP cũng quy định tổng mức đầu tư phải tối thiểu là 200 tỷ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư, nên TPHCM sẽ ít có dự án đầu tư theo hình thức PPP và sẽ khó phân cấp được cho các quận huyện thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng”, đại diện Sở KH-ĐT TPHCM cho biết.
Cải cách để tránh thất thoát và lãng phí
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng thời gian qua việc thực hiện dự án PPP có nhiều vướng mắc, chủ yếu là do vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng; có những chính sách thay đổi nên chậm trễ… Mà dự án chậm trễ, kéo dài thì chi phí quản lý, chi phí trượt giá tăng lên và phần thanh toán lại cho nhà đầu tư tăng cao, dẫn đến đội vốn.
Do vậy, cần chặt chẽ trong cơ chế phối hợp giữa các đơn vị xác định tài sản quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư, để giảm chi phí phát sinh. Ngoài ra cũng có những dự án vướng pháp lý, các sở ngành cần rà soát, đeo bám các bộ ngành hỗ trợ giải quyết để có lối ra cho doanh nghiệp.
Phải thừa nhận một thực tế là lâu nay các nhà đầu tư thực hiện hợp tác công tư đều nhắm đến đất đai, nên hầu hết chọn hình thức thanh toán bằng quyền sử dụng đất. Chính việc quy định không rõ ràng nên hình thức thanh toán bằng đất không qua đấu giá có nguy cơ gây thất thu cho ngân sách. Thì nay, Luật PPP quy định rõ, việc thanh toán bằng quyền sử dụng đất phải thông qua đấu giá.
Cụ thể, “Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định rõ, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ; nhóm dự án đang có ý tưởng đề xuất thì ngưng”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nói. Đó là lý do việc kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ không còn nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư như trước nữa.