Kết thúc tuần giao dịch ngày 9-11, VN Index đóng cửa ở mức 914,29 điểm, giảm 10,57 điểm (tương đương 1,14%) so với cuối tuần trước. Tương tự, HNX Index giảm 2,74 điểm (tương đương 2,59%) về mức 103,01 điểm. Các mã ảnh hưởng tích cực đến VN Index trong tuần qua là VHM (Vinhomes), SAB (Sabeco) và VRE (Vincom Retail), với mức đóng góp lần lượt là 4,18 điểm, 0,78 điểm và 0,72 điểm.
Ngược lại, các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số là GAS (PV Gas), VCB (Vietcombank) và HPG (Hòa Phát), khi lấy đi của VN Index lần lượt là 4,61 điểm, 2,14 điểm và 1,59 điểm. Thanh khoản trung bình phiên tuần qua đạt 143 triệu CP trên sàn HOSE, giảm mạnh so với mức 179 triệu CP của tuần trước đó.
Dù sụt giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản, nhưng thị trường vẫn bất ngờ có điểm sáng từ động thái mua ròng của NĐTNN. Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã quay sang mua ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 342 tỷ đồng. Riêng trong phiên 9-11, khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp với giá trị 161 tỷ đồng, tập trung vào các mã blue chip như: HPG, MSN (Masan), VRE, SBT (Thành Thành Công - Biên Hòa), VHM, VNM (Vinamilk), GMD (Gemadept). Phía ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhóm CP như: PLX (Petrolimex), GAS, HSG (Hoa Sen), VPI (Văn Phú Invets)... Trên sàn HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp, nhưng giá trị bán ròng không lớn, chỉ đạt 15,9 tỷ đồng, tương ứng gần 900.000 CP.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh các nhóm ngành trụ cột gồm ngân hàng, thực phẩm, dầu khí đang có dấu hiệu tiêu cực trở lại, xu hướng chung được dự báo sẽ bi quan hơn trong tuần này. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm đã khiến giao dịch trở nên ảm đạm, cho thấy dòng tiền vẫn chưa quay lại thị trường khi rủi ro lúc này vẫn đang ở mức cao.
Có ý kiến cho rằng thị trường sau những đợt giảm quá sâu sẽ luôn có những sự hồi phục, dù khó xác định được chính xác thời điểm. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là các chỉ số sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018, khi đó là thời điểm then chốt để các quỹ đầu tư cơ cấu lại danh mục.