Xu thế trần lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh đã giúp cho hệ thống NHTM thoát khỏi tình trạng “đóng băng” tín dụng. Trong đó đã có một số NHTM có mức tăng trưởng tín dụng đạt gần 50% kế hoạch cả năm. Với nguồn vốn lớn có giá rẻ, hiện nay các NHTM lớn trong nhóm G14+1 đang có nhiều lợi thế trong tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.
Tín dụng kích tăng trưởng kinh tế
Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết 2 tháng đầu năm, dư nợ của hệ thống NHTM tăng trưởng âm, nhưng từ tháng 3 đã có xu hướng tăng nhẹ. Một số NHTM đã tăng trưởng dương, trong đó có trường hợp đã tăng trưởng gần hết chỉ tiêu cả năm 2012 của NHNN giao và vẫn có nhu cầu tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Theo nguồn tin ĐTTC, tại Eximbank đến cuối tháng 5 tín dụng đã tăng trưởng khoảng 2,4%; Agribank 5 tháng đầu năm cũng tăng được gần 1%; BIDV 5 tháng đầu năm tăng trưởng đến 8,39%...
Tính đến 30-4-2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB (các chi nhánh tại Việt Nam) là 9%, đạt 53% kế hoạch tăng trưởng tín dụng của năm 2012. Lãnh đạo MB cho biết vẫn đang tiếp tục bám sát định hướng hoạt động tín dụng, duy trì tăng trưởng tín dụng năm 2012 theo nguyên tắc “có chọn lọc, hiệu quả và bảo đảm kiểm soát được chất lượng tín dụng”.
Cụ thể, ngay từ đầu năm triển khai chỉ đạo của NHNN theo Chỉ thị 01, MB đã ưu tiên sử dụng hạn mức tín dụng tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng đối với 4 lĩnh vực ưu tiên và định hướng giảm dần lãi suất cho vay nhằm chia sẻ với khách hàng vượt qua khó khăn, thắt chặt mối quan hệ.
Trong đó, MB đã xây dựng “Gói tín dụng xuất khẩu” dành cho khách hàng thuộc các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn (thủy sản, gạo, cà phê, cao su, hạt điều, xăng dầu, than, may mặc, dây điện và cáp điện…) với mức lãi suất cho vay thấp hơn khung lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1%/năm, đồng thời điều chỉnh một số loại phí đối với hoạt động tài trợ thương mại xuất khẩu.
![]() |
Khách hàng giao dịch tại MB. |
Ngay sau khi Thông tư 14 của NHNN được ban hành, MB đã triển khai chỉ đạo, hướng dẫn toàn hệ thống thực hiện thông tư, áp dụng lãi suất cho vay 15%/năm và hiện nay trần lãi suất cho vay đã giảm xuống 13%/năm đối với các khách hàng thuộc 4 lĩnh vực ưu đãi (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa) đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định của NHNN và MB. MB cũng đã xác lập mức lãi suất cho vay hợp lý, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số khách hàng tốt, khách hàng truyền thống để hỗ trợ vượt thoát trong giai đoạn khó khăn.
Để thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, ngân hàng này cho biết ngoài việc tập trung tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên theo Thông tư 14 của NHNN, MB cũng dành “room” tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, các dự án trung hạn đầu tư tăng năng lực thiết bị của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả; các khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có nguồn trả nợ từ lương.
Để tiếp cận các khách hàng vay vốn, ngoài chính sách về lãi suất, MB đang triển khai các giải pháp như gia tăng tiện ích và tốc độ xử lý đối với các giao dịch thanh toán, tài trợ thương mại, tạo sự thuận tiện cho khách hàng trong quá trình giao dịch.
Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ của ngân hàng thông qua các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, đội ngũ nhân viên am hiểu nghiệp vụ và có khả năng tư vấn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính.
Bài toán lợi nhuận và rủi ro
Có thể thấy 4 lĩnh vực NHNN áp trần lãi suất cho vay 13%/năm hiện nay chiếm tỷ trọng dư nợ khá lớn của các NHTM nên tất yếu sẽ ảnh hưởng biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng. Nhưng theo lãnh đạo MB, việc áp dụng lãi suất cho vay trong ngắn hạn có thể sẽ ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận của MB nói riêng và các ngân hàng nói chung.
Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu trong điều kiện lạm phát nền kinh tế đang có xu hướng hạ nhiệt. Mức lãi suất cho vay này nằm trong lộ trình, định hướng giảm lãi suất cho vay của MB (trước thời điểm thông tư có hiệu lực, MB đã chủ động áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi rất thấp đối với các doanh nghiệp thuộc gói tín dụng xuất khẩu).
Trong dài hạn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các NHTM. Cụ thể, với sự hỗ trợ lãi suất của các NHTM và thực thi đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, NHNN, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động chu chuyển vốn sẽ tăng mạnh trở lại, tác động đến hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế và phản hồi tích cực trở lại đến hoạt động của NHTM.
Một thách thức khác đặt ra cho các NHTM hiện nay khi đẩy mạnh cho vay là nỗi lo nợ xấu gia tăng và khách hàng khó đạt đủ điều kiện cho vay. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trong điều kiện hiện nay các NHTM sẽ phải linh hoạt trong chính sách tín dụng để đối phó với 2 áp lực trên.
Theo lãnh đạo MB, cùng với việc kiểm soát nợ xấu, ngân hàng nghiên cứu thực hiện cơ cấu nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.
Ngân hàng chủ động phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh đảm bảo được khả năng hoàn trả nợ vay cho MB, hoạt động bền vững và có thiện chí hợp tác…
Việc tăng trưởng tín dụng của MB luôn dựa trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát được chất lượng tín dụng. Do đó MB kiểm soát nợ xấu ngay từ khâu tiếp xúc, lựa chọn và thẩm định khách hàng. Sau khi thực hiện cho vay, MB chủ động và thường xuyên thực hiện tiếp xúc, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh và mục đích sử dụng vốn của khách hàng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trực tiếp tại từng đơn vị kinh doanh để có những hỗ trợ, chỉ đạo và điều chỉnh kịp thời. |