(ĐTTCO)-Từ tháng 4-2015, Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp (DN) được khai bổ sung trên tờ khai hải quan. Được xem là một trong những giải pháp hỗ trợ DN, nhưng quy định này đã bị lợi dụng để hoạt động gian lận thuế. Mới đây, nhiều vụ khai thuế sai đã bị phát hiện…
Bị phát hiện sai thì... khai bổ sung
Lô hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu S.V. (quận 2) bị phân luồng vàng. Theo tờ khai đăng ký nhập khẩu, công ty này khai báo nhập gần 8.500m2 gạch lát sàn không tráng men, trị giá khoảng 25.000USD. Sau khi Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hồ sơ giấy, thấy có dấu hiệu nghi vấn nên chuyển luồng kiểm tra, lúc ấy DN vội vàng bổ sung tờ khai, điều chỉnh khai báo số lượng gạch nhập khẩu tăng lên hơn 15.500m2, gần gấp đôi số lượng khai ban đầu.
Điều đáng nói là khi vừa bị chuyển luồng kiểm tra, DN đã có sẵn một bộ hợp đồng khác ghi cùng ngày, cùng số, cùng nội dung, nhưng khác nhau về số lượng hàng hóa. Có nghĩa là DN đã chuẩn bị sẵn 2 bộ hợp đồng để đối phó, nếu bị hải quan phát hiện thì khai bổ sung nâng số lượng lên đúng với thực tế.
Dĩ nhiên, lời giải trình của DN nghe có vẻ rất hợp lý rằng, sở dĩ có 2 hợp đồng ngoại thương cho một lô hàng nhập khẩu là do ban đầu DN ký hợp đồng với đối tác nước ngoài đặt mua số lượng hàng chỉ gần 8.500m2, nhưng sau đó do có nhu cầu tăng thêm nên đã yêu cầu đối tác sửa hợp đồng, nâng số hàng lên hơn 15.500m2. Rồi khi chuẩn bị hồ sơ để nhận hàng, nhân viên công ty đã nhầm lẫn không hủy hợp đồng cũ nên đã xuất trình bộ hồ sơ cũ để khai báo hải quan. Việc “nhầm lẫn” này giúp DN có thể “thoát” trên 310 triệu đồng tiền thuế!
![]() |
Tương tự, trước đây Cục Hải quan TPHCM cũng phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại - Dịch vụ S.P. (quận 3) có dấu hiệu gian lận thuế và đối phó bằng hình thức khai bổ sung trên tờ khai hải quan. Cụ thể, sau khi mở tờ khai hải quan nhập khẩu qua cảng Cát Lái, công ty đã khai lô hàng gồm 500 máy in, 2.000 cụm đầu đọc DVD; 1.200 bàn phím máy vi tính; 5.000 con chuột máy vi tính và 200 màn hình máy tính, mới 100%, xuất xứ Singapore; trị giá hàng hóa chưa đầy 23.000USD (chỉ khoảng 460 triệu đồng).
Lô hàng được hệ thống điện tử phân luồng vàng, nhưng nhận thấy thông tin có dấu hiệu vi phạm, cơ quan hải quan đã ký quyết định tạm dừng thông quan đối với lô hàng. Ngay khi lô hàng bị tạm dừng thông quan, công ty nhập khẩu liền gửi công văn xin khai bổ sung. Lý do: phía nước ngoài gửi nhầm hàng! Cơ quan hải quan mở kiểm tra thực tế lô hàng thì phát hiện toàn bộ số hàng trong container gồm 257 bộ máy lạnh hiệu Panasonic, mới 100%, trị giá trên 1,8 tỷ đồng và số thuế chênh lệch trên 460 triệu đồng.
Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan TPHCM cho biết, hầu hết các vụ nhập khẩu hàng điện lạnh bị phát hiện vi phạm theo kiểu DN khai báo máy móc, linh kiện cũ, nhưng nếu như tờ khai được phân qua luồng kiểm tra thực tế thì DN sẽ xin khai báo bổ sung, và việc khai báo sau hầu hết là hàng hóa khác, có giá trị cao hơn so với tờ khai ban đầu. Lúc bị phát hiện, DN đổ thừa do phía đối tác gửi nhầm hàng.
Thế nhưng, thực tế là các DN cố tình khai báo là linh kiện cũ để tránh việc bị phân vào luồng đỏ, hơn nữa, khai báo như thế mức thuế suất thấp hơn, chỉ 10 - 20 triệu đồng/lô, trong khi thuế nhập khẩu đối với lô hàng máy lạnh là gấp mấy chục lần.
Cần bổ sung máy soi chiếu
Với việc áp dụng biện pháp quản lý rủi ro bằng cách phân luồng thông quan xanh - vàng - đỏ trong thời gian qua, có lẽ đã đến lúc cần siết mạnh quản lý. Với quy định DN “sạch” trong vòng 2 năm, hàng hóa không thuộc hàng cấm sẽ được phân vào luồng xanh, tức là được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Nếu rơi vào luồng vàng thì DN bị kiểm tra hồ sơ hải quan, có thể phải xuất trình hồ sơ giấy hoặc bị kiểm tra thực tế hàng hóa. Nếu tờ khai rơi vào luồng đỏ thì DN phải xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra. Đó là lý do nhiều DN phải ráng “sạch” hoặc cố tình khai gian để được phân vào luồng xanh.
Như vậy, với hệ thống thông quan điện tử hiện nay, DN có thể đoán trước thông tin phân luồng cho lô hàng nhập khẩu của mình. DN cố tình khai báo sai tên hàng, số lượng hàng hóa, trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa thì trót lọt, nếu bị kiểm tra thực tế (luồng đỏ) hoặc có sự phối hợp công tác của các lực lượng chức năng khác (như công an, quản lý thị trường…) thì DN đối phó bằng cách xin sửa chữa, khai bổ sung cho phù hợp với bộ chứng từ thật. Thậm chí, khi bị phát hiện, DN xin hủy tờ khai, sau đó khai lại tờ khai khác.
Cùng với quy định hiện nay tại Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc cho phép DN được khai bổ sung đã tạo ra khoảng trống để DN “lách” thuế. Trường hợp “người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng trước khi thông quan, thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Như vậy, một số DN đã lợi dụng quyền được khai bổ sung trên tờ khai hải quan theo kiểu “nếu thoát thì được lợi nhiều, còn không thoát thì nộp thuế, có bị phạt chút cũng chẳng sao”!
Với thực trạng đó, đã đến lúc ngành hải quan cần tăng cường quản lý, có cơ chế chính sách chặt chẽ hơn, đồng thời bổ sung nhiều máy soi, máy chiếu để kiểm tra tất cả hàng hóa dù là luồng xanh hay đỏ. Bởi DN hôm nay tốt chưa hẳn ngày mai vẫn tốt…