(ĐTTCO) - Tờ Le Monde vừa đăng tải bài viết với tựa đề “Các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) trong mắt bão”, trong đó phân tích khó khăn các nền kinh tế thành viên. Đặc biệt, nhấn mạnh đến nợ khu vực kinh tế tư nhân bùng nổ của BRICS, dựa trên số liệu của COFACE - cơ quan bảo hiểm tín dụng quốc tế có trụ sở tại Pháp.
Nếu như đầu năm ngoái, COFACE còn rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng đầu năm nay, cũng giống như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan bảo hiểm tín dụng này đã đưa ra những dự đoán rất dè dặt, trong bối cảnh tăng trưởng Trung Quốc giảm mạnh, giá nguyên nhiên liệu giảm, nguy cơ khủng hoảng chính trị và địa chính trị dâng cao. Theo IMF, tỷ lệ tăng trưởng GDP của BRICS - bảo đảm đến 70% tăng trưởng toàn cầu - giảm 1/2 trong vòng 5 năm gần đây (từ 7,2% xuống còn 3,4%). Tờ Le Monde viết: “Đã qua rồi thời tăng trưởng 2 con số và những năm tháng nhảy vọt huy hoàng”.
Năm 2001, chuyên gia Jim O’Neil của Ngân hàng Goldman Sachs đã đưa ra cụm từ viết tắt BRICS, để chỉ 5 quốc gia có nền kinh tế lớn mới nổi hàng đầu. COFACE nhấn mạnh khái niệm này đã “hết thời” khi triển vọng của Nga và Brazil - 2 trong số 5 nước - bị hạ thấp rất mạnh, do tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn mệt mỏi khi giá dầu thô sụt giảm. Dầu thô, cột trụ của ngành xuất khẩu Nga chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, là nguồn thu nhập đem về 50% ngoại tệ cho cả nước và bảo đảm đến 2/3 ngân sách cho Moscow. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov cho biết ngay cả trong trường hợp giá dầu còn ở mức 50USD/thùng, thâm hụt ngân sách của Nga vẫn lên tới khoảng 3% GDP. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Brazil đầu tháng 1-2016 dự đoán tăng trưởng kinh tế Brazil sẽ tiếp tục giảm 2,99% sau khi GDP nước này đã giảm 3,71% trong năm 2015.
BRICS đang trong giai đoạn phát triển khó khăn. |
Kinh tế Nam Phi trì trệ và không dấu hiệu nào cho thấy quốc gia cực Nam châu Phi sẽ cất cánh trong thời gian trước mắt. Nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc đã bắt đầu chững lại. Năm 2015 đánh dấu mức tăng thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990 khi dừng ở mức 6,9%. Trong cả năm 2015, Trung Quốc liên tục bắn đi nhiều tin xấu: hoạt động ngành công nghiệp bị chựng lại, thị trường bất động sản ứ đọng, xuất khẩu dậm chân tại chỗ, chỉ số chứng khoán trên 2 thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến liên tục mất giá suốt từ mùa hè 2015 cho tới những tuần lễ đầu tháng 1-2016. Theo phân tích của chuyên gia Ngân hàng HSCB, chưa có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu ổn định lại.Tuy nhiên, COFACE đặc biệt lưu ý đến tình trạng nặng nợ của doanh nghiệp tư nhân các quốc gia thành viên BRICS, khác với nợ công có phần giới hạn. Do chính sách vay nợ dễ dãi, mức nợ tuyệt đối của các doanh nghiệp tư nhân tăng gấp 4,5 lần trong 10 năm trở lại đây, trong khi tăng trưởng sụt giảm mạnh. Tỷ trọng nợ tư, tính theo GDP, tăng 26% trong cùng thời gian. Các doanh nghiệp Trung Quốc nợ cao nhất thế giới, chiếm 160% GDP. Báo cáo của COFACE cho biết 2 lĩnh vực nợ cao nhất là xây dựng và năng lượng. Sự lo ngại của COFACE về nợ ở khu vực tư nhân của BRICS cao xuất phát từ nguyên nhân: cho dù mức nợ cao có thể là động lực cho đầu tư và tăng trưởng, nhưng nếu vượt quá mức nhất định, gánh nặng nợ nần sẽ có hại cho đầu tư.
(Tổng hợp)