Khám phá “Thành phố hoa hồng đỏ”

(ĐTTCO) - Được xây dựng trong hơn 100 năm, thánh địa Petra (Jordan) còn được mệnh danh là “Thành phố hoa hồng đỏ”, bởi toàn bộ công trình kiến trúc được tạc trên những tảng đá sa thạch đỏ khổng lồ, cùng với các họa tiết hoa hồng - biểu tượng của hoàng tộc được tìm thấy trong khu lăng mộ.

Thành phố trong lòng đá

Thánh địa Petra nằm cách thủ đô Amman của Jordan khoảng 185km về phía Tây Nam. Đến nay các nhà khoa học ước tính Petra được xây dựng cách đây khoảng 3.000 năm và 2.000 năm trước là thời kỳ cực thịnh của thành phố với cư dân khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, thành phố đã có thời gian chìm sâu vào quên lãng trong khoảng thế kỷ thứ 4 cho đến năm 1812, đến khi một nhà thám hiểm người Thụy Sĩ tên là Johann Ludwig Burckhardt đã phát hiện và công bố vẻ đẹp của Petra trên thế giới. Sau đó, vào năm 1985, Petra đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đến năm 2007, Petra chính thức trở thành 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.

Thánh địa Petra được xây dựng trong hơn 100 năm với hàng trăm công trình lớn nhỏ. Kiến trúc của thánh địa Petra bị ảnh hưởng bởi kiến trúc thời kỳ Helenestic ở Hy Lạp, La Mã. Trong ngôn ngữ cổ của người Semit vùng Trung Đông, người ta gọi Petra là Raqmu có nghĩa là đa sắc. Petra ban đầu là thủ phủ của dân tộc Nabataeans, một tộc người sử dụng chữ viết Aramaic và điều khiển các đoàn buôn đi qua vùng. Đến năm 106, Petra bị người La Mã thôn tính. Tộc người Nabataeans có lối sống du mục và Petra có lẽ chỉ là một trong nhiều địa điểm dựng trại của họ. Dần dần, Petra đã trở thành một trung tâm thương mại sầm uất giữa những người Ả-rập, người Bắc Phi và cả khu vực Đông Địa Trung Hải.

Bước vào thời kỳ thành thị hóa, cư dân bắt đầu rời bỏ lều trại và đi vào ở trong các ngôi nhà được tạc sâu trong đá, hình thành nên một thành phố có tổ chức rõ ràng. Ở phía Nam của thị trấn Wadi Musa các con đường được dựng những hàng cột, còn ở phía Bắc mọc lên những bức tường khổng lồ với các mỏ đá, biến Petra thành một tòa thành phòng thủ kiên cố. Petra không chỉ là nhà, là thành phố mà còn như một pháo đài quân sự có khả năng phòng thủ rất tốt. Nằm giữa các vách đá nhô cao cộng thêm khả năng tự đảm bảo nguồn nước từ một con suối không bao giờ cạn, Petra có thể dễ dàng kiểm soát được các tuyến thương mại đi qua để đến vùng Gaza, vùng Bosra và Damascus và đến Aqaba và Leuce Come bên bờ Biển Đỏ vượt qua sa mạc để đến vịnh Ba Tư sầm uất.


Những phế tích mang thông điệp quá khứ

Tuy nằm trong vùng khá ít mưa nhưng Petra cũng từng bị ảnh hưởng bởi những trận lũ quét. Các nhà khoa học cho biết, người Nabataean đã tìm ra cách chống lại các trận lũ bằng cách làm đập, bể chứa và đường ống dẫn nước. Đến nay các đường ống dẫn nước vẫn còn khá nguyên vẹn men theo các lối đi. Ngoài ra, nước còn được tích trữ để sử dụng trong thời điểm hạn hán và thậm chí Petra đã bán nước để thu về lợi nhuận.

Ở Petra hiện có rất nhiều lăng mộ nằm rải rác khắp thành phố từ thiết kế đơn giản đến quy mô. Lăng mộ được ghé thăm nhiều nhất là Khazneh, tiếng Ả-rập có nghĩa là “Kho báu”. Kích cỡ mặt tiền được đo với chiều cao 39m và chiều rộng 25m. Các họa tiết trong lăng mộ được tạc rất phong phú và đa dạng, như: hình đại bàng, quái vật sư tử đầu chim, đây là những linh vật biểu tượng cho chiến thắng. Đối với thực vật có những họa tiết như cây anh túc, nho và cây lựu đều là những loại cây mọc ở khu vực có lượng mưa thấp. Ngoài ra, hình điêu khắc hoa hồng, biểu tượng của hoàng tộc cũng được tìm thấy, điều này chỉ ra rằng đây là mộ của một vị vua. Theo nhà nghiên cứu Andrew Steward, mộ có thể là của vua Aretas IV, ông mất vào năm 15 sau Công nguyên cùng 2 người vợ của ông.

Ngoài ra, du khách có thể đến thăm Lăng mộ Urn nổi tiếng, nơi được sử dụng để thờ cúng trong Đế chế Byzantine (tồn tại từ năm 330-1453). Thành phố cổ Petra là nơi mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về lịch sử và văn hóa phong phú của nhân loại.

Đời sống tinh thần của cư dân Petra rất phong phú. Từ xa xưa, họ đã xây dựng một nhà hát trong thành phố có sức chứa tới 3.000 người. Đứng ở nhà hát, du khách sẽ phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng cũng như tu viện Ad-Deir ấn tượng với quãng đường 800 bậc đá. Ngoài ra, du khách có thể đến tham quan hai bảo tàng gần đó là Bảo tàng Khảo cổ Petra và Bảo tàng Petra Nabataean. Hai bảo tàng này trưng bày cổ vật được khai quật tại Petra sẽ giúp du khách hiểu thêm về đời sống của cư dân Petra 2.000 năm trước.

Đền Monastery, đền thờ lớn nhất ở Petra, được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Nó được dành cho Obodas I và được tin là nơi nghỉ ngơi của thần Obodas. Monastery dịch sang tiếng Ả-rập là “Ad-Deir”, có nghĩa là tu viện. Tu viện là một trong những di tích lớn và được bảo tồn nguyên vẹn nhất ở Petra. Bề mặt của Tu viện là đá có màu vàng thay vì màu đỏ sa thạch như nhiều công trình khác. Muốn lên đến tu viện, du khách phải leo bộ 800 bậc thang đá.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm thánh địa Petra vào dịp mùa xuân và mùa thu, khoảng tháng 2-5 hoặc tháng 10-11, tiết trời không quá nóng nực. Du khách ít lựa chọn Petra vào mùa hè vì nóng và khu vực này ít bóng râm. Cũng vì thời tiết nóng nên du khách là phụ nữ có thể mặc trang phục phương Tây cho thoải mái. Để di chuyển đến Petra, nếu xuất phát từ thủ đô Jordan (TP Amman) đến Petra sẽ đi qua xa lộ sa mạc gần 200km, hoặc từ khu nghỉ mát ven biển Aqaba đến Petra là 126km lái xe.

Còn dịch vụ lưu trú, bạn có thể chọn Mövenpick Resort Petra ở thị trấn Wadi Musa. Đây là khách sạn 5 sao nằm ngay bên kia đường từ lối vào Petra. Khách sạn có những căn phòng tuyệt đẹp, tiện nghi và có thể ngắm nhìn vẻ lung linh về đêm của Petra một cách bao quát nhất.

Các tin khác